Chờ...

Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM tiếp bước anh hùng của Đài Phát thanh Giải phóng (Bài 1)

(VOH) - Đài Phát thanh Giải phóng chính thức lên sóng vào tháng 2/1962 và đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ vào ngày 31/8/1976.

Ngày 01/5/1975, Đài Phát thanh Sài Gòn giải phóng được phát đi trên làn sóng AM 610 Khz, khẳng định từ nay, tiếng nói của chính quyền cách mạng, của độc lập, tự do và thống nhất vang lên khắp cả năm châu bốn biển. Ngay trong ngày đầu tiếp quản, các phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên và kỹ thuật viên Đài Phát thanh Giải phóng đã phải lăn lộn trong bom rơi, đạn lửa khẩn trương chuẩn bị nội dung cho chương trình thời sự đầu tiên.

Ngay buổi phát sóng đầu tiên Đài đã được đồng bào, chiến sỹ miền Nam đón nhận với niềm xúc động sâu sắc. Song hành cùng những bước thăng trầm phát triển của đất nước và Thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) không ngừng đổi mới và phát triển về mọi mặt, trở thành đơn vị có uy tín trong báo giới cả nước và hệ thống phát thanh truyền hình của quốc gia. Nhân kỷ niệm 44 năm ngày phát sóng đầu tiên của Đài TNND TPHCM, mời quý bạn đọc theo dõi loạt bài: “Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM tiếp bước anh hùng của Đài Phát thanh Giải phóng”.

Bài 1: Đài Phát thanh Giải phóng – Tiếng nói của nhân dân miền Nam

“Đây là Đài phát thanh Sài Gòn Giải phóng - Tiếng nói của nhân dân Sài Gòn Gia Định phát thanh từ Sài Gòn.”

Có lẽ lời xướng này đã in rất sâu đậm trong tâm trí, trong lòng của những người đã làm tại Đài phát thanh Giải phóng, đã trải qua những năm tháng xây dựng phát triển làn sóng của Đài, khẳng định chính quyền cách mạng và tiếng nói của nhân dân Sài Gòn Gia Định. Hơn hết, chính lời xướng đã vang lên dõng dạc, đĩnh đạc, kiêu hãnh ấy từ chiến khu miền Đông Nam Bộ truyền đi tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, tạo nên phấn chấn cho hàng triệu người dân.

Các phát thanh viên của Đài Phát thanh Giải phóng

Các phát thanh viên của Đài Phát thanh Giải phóng. (Ảnh: Tư liệu VOH)  

Được xây dựng trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn ở chiến khu vào những năm 1960 khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời, Đài Phát thanh Giải phóng chính thức lên sóng vào tháng 2/1962 và đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ vào ngày 31/8/1976. Đài Phát thanh Giải phóng giữ vững làn sóng, trở thành người bạn tin cậy, nguồn động viên tinh thần lớn lao đối với đồng bào miền Nam.

Gần 60 năm kể từ ngày phát sóng đầu tiên, những nhà báo, chiến sĩ năm xưa chắc chắn không bao giờ quên giây phút xúc động, tự hào khi cách mạng miền Nam cất lên tiếng nói chính nghĩa qua một đài phát thanh. Cán bộ, nhân viên của Đài Phát thanh Giải phóng phải quả cảm, mưu trí, sáng tạo để giữ ổn định làn sóng và Đài trở thành người bạn thân thiết của nhân dân, là nguồn động viên to lớn của lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam.

Là cơ quan ngôn luận, truyền đi các thông báo của chính quyền cách mạng miền Nam, Đài Phát thanh Giải phóng đã làm cho quân thù run sợ. Họ tìm mọi cách chống phá, cắt đứt làn sóng của Đài. Các cán bộ, chiến sĩ của Đài phát thanh Giải phóng trở thành người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, vừa vững tay súng, vừa chắc tay bút, bám trụ dưới mưa bom bão đạn, hoàn thành nhiệm vụ người chiến sĩ cách mạng mà đảng đã giao cho.

Ông Võ Văn Tòng - một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng Đài Phát thanh Giải phóng, hiện dù ở độ tuổi đã cao nhưng vẫn nhớ như in ngày được lệnh từ Trung ương cục miền Nam giao cho nhiệm vụ thành lập Đài. Ổng kể: “Đồng chí Nguyễn Văn Linh là Bí thư Xứ ủy lúc bấy giờ, gọi tôi và anh Ba Già, ra lệnh cho 2 chúng tôi chuẩn bị xây gấp Đài Phát thanh Giải phóng. Và hỏi chúng tôi có làm được hay không? Khi nghe đến đây thì chúng tôi rất phấn khởi vui mừng vì cuộc cách mạng miền Nam đã chuyển mình đổi mới. Trong nỗi vui mừng đó chúng tôi rất lo lắng, vì hiện tại chúng tôi là những kỹ thuật xây dựng đài điện báo, chưa lần nào đến xây dưng đài phát thanh. Trong khi đó trong tay chúng tôi chỉ có một mỏ hàn đốt than và mỏ hàn điện. Nhưng mà đối với chúng tôi là đảng viên, khi đảng ra lệnh, dù khó khăn cấp mấy chúng tôi cũng vượt qua hoàn thành nhiệm vụ.”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đài Phát thanh Giải phóng. Ảnh: VGP

Khó khăn là vậy nhưng làm sao ngăn cản được ý chí cách mạng của cán bộ, chiến sĩ ta. Từ trong đạn bom khói lửa, tiếng nói của chính quyền cách mạng lan rộng, lan nhanh đến với đồng bào, tạo nên khí thế sục sôi chiến đấu để chiến thắng. Và làm sao có thể quên được những ngày tháng ác liệt, khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Vừa làm nhiệm vụ của người lính cụ Hồ, vừa đảm bảo cho làn sóng của Đài được phát thông suốt cả nước. Đó là nhiệm vụ thiêng liêng mà người chiến sĩ cách mạng phải hoàn thành dù có phải hy sinh xương máu.

Một lán bạt, một căn nhà che tạm, với dụng cụ kỹ thuật và phòng thu dã chiến, các nhân viên của Đài Giải phóng đã sản xuất những chương trình phát thanh kêu gọi nhân dân lên đường chống giặc, giành độc lập cho quê hương. Từ giọng nói truyền cảm, ấm áp ấy, đã có tác dụng tích cực đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân miền Nam và khắp cả nước. Ông Nguyễn Hữu Phước, Phát thanh viên, biên tập viên của Đài Phát thanh Giải phóng bồi hồi nhớ lại những kí ức năm xưa: “Chúng tôi phải làm sao qua Đài phát thanh nhanh chóng để biến việc đáng lẽ xử người của ta thì ta đáp lại việc xử lại người của bên kia. Khiến cho kẻ địch cũng phải thấy thông qua Đài Phát thanh Giải phóng phải không dám làm việc của mình một cách một bên, mà phải đi đến thương lượng. Trong các chiến dịch quân sự như chiến dịch chiến tranh đặc biệt, chiến dịch cục bộ… phóng viên của chúng ta thường thường đều có mặt trên trận địa và làm việc rất hiệu quả.”

Chính vì mơ ước, khát khao hòa bình, độc lập thống nhất đất nước, đã giúp cho cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Đài Phát thanh Giải phóng, người này tiếp nối người kia, đứng lên chống lại sự tàn phá của quân thù, vừa khắc phục khó khăn về phương tiện kỹ thuật, chiến đấu ngoan cường, đảm bảo làn sóng được thông suốt. Ông Phan Thanh Dũng, người được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt xe tăng, kỹ thuật viên của Đài Phát thanh Giải phóng, cho biết, với tinh thần công tác lạc quan cách mạng đó thì mọi khâu, mọi người đều cố gắng để thực hiện, hoàn thành những công tác của mình. Vô cơ quan, tôi nhỏ nhất, 17 tuổi, nên được sự chăm sóc của lãnh đạo, của tập thể, thì mình cũng cố gắng làm để hoàn thành. Phải nói là thiếu thốn, bệnh tật, nhưng rất có tinh thần trách nhiệm với cơ quan với đài”, ông Dũng nói.

Hy sinh, mất mát- đó là điều không thể tránh khỏi trong chiến tranh. 25 nhân viên của Đài đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường để bảo vệ tiếng nói của Đài, góp phần không nhỏ trong công cuộc giải phóng đất nước.

Cắn chặt môi tiễn đồng đội ngã xuống, lớp lớp cán bộ, nhân viên, thanh niên của Đài dũng cảm, hiên ngang bước tiếp vào cuộc kháng chiến với tâm thế và niềm tin cho một ngày độc lập dân tộc không xa. Bà Đoàn Thị Thanh Thủy là đoàn viên thanh niên lúc đó chỉ mới 15, 16 tuổi, đã từng chứng kiến những mất mát, hy sinh trong năm tháng chiến tranh ác liệt, nay tóc đã ngã màu sương, xúc động nói về anh em đồng chí: “Dịp 30/4 năm nay, có một tự hào là Đài Giải phóng vửa nhận được danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Đi nhận danh hiệu đó, điều mà tôi hạnh phúc nhất là tôi đưa được hai gia đình liệt sĩ hy sinh cùng một ngày là gia đình anh Tỵ và gia đình anh Nghĩa. Hy sinh cùng 1 ngày là vừa kí kết Hiệp định Paris xong. Sau khi giải phóng, lên căn cứ đó tìm thì chỉ còn là nấm đất thôi.”

Kỷ niệm ngày phát sóng đầu tiên của Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH), nhớ lại những ngày tháng gian khó, nguy nan mà hào hùng của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Đài Phát thanh Giải phóng hoạt động trong chiến khu, hun đúc cho thế hệ nhân viên, cán bộ của VOH càng cố gắng, phấn đấu hơn nữa cho sự nghiệp phát thanh của Đài, xứng đáng với những thành quả đã phải đổi bằng công sức, máu xương của cha ông đi trước. Làn sóng của VOH hôm nay đã vươn xa, đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại, phát triển.

(còn tiếp)

Bình luận