Chờ...

Đề nghị không bổ sung thêm đối tượng cảnh vệ

(VOH) – Trong ngày làm việc 6/6, Quốc hội đã dành trọn thời gian để nghe báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh vệ, thảo luận ở hội trường về các nội dung liên quan của dự Luật này. Trong số 11 ý kiến được trình bày tại hội trường, phần lớn đều đề cập đến việc bổ sung thêm đối tượng cảnh vệ.

Hiện nay, theo quy định của Pháp lệnh cảnh vệ, đối tượng cảnh vệ có 18 chức danh cao cấp của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; Nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; các Uỷ viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ. Các đại biểu đề nghị bổ sung thêm Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vào các đối tượng cảnh vệ…

Ảnh minh họa. 

Nghe bài viết tại đây.   

Tuy nhiên, tại phiên giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết sẽ giữ nguyên đối tượng cảnh vệ như trong Pháp lệnh là hợp lý, vì nếu bổ sung thêm các đối tượng được yêu cầu thì một số chức danh Bộ trưởng khác như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng Kiểm toán Nhà nước… cũng có vị trí, tầm ảnh hưởng quan trọng cũng được yêu cầu phải bổ sung.

“Chúng ta phải xác định cho rõ rằng, giữa “cảnh vệ” với “bảo vệ” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Cảnh vệ là tập trung vào các đối tượng đặc biệt quan trọng, tức là bảo vệ “yếu nhân”, kể cả cá nhân cũng như khu vực trọng điểm. Có tất cả 18 mục trong dự thảo Luật, 18 đối tượng này thuộc đối tượng cảnh vệ là rất phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước ta hiện nay”, ông Võ Trọng Việt nói.

Theo ông Võ Trọng Việt, trách nhiệm, nghĩa vụ của lực lượng cảnh vệ 2 Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cũng đã được quy định chặt chẽ trong dự thảo Luật, dựa trên sự đồng thuận của 2 cơ quan này.

Thêm vào đó, do tính chất và yêu cầu đối với lực lượng cảnh vệ cũng cao hơn, dự luật cũng sẽ quy định hình thức giáo dục riêng cho đối tượng cảnh vệ chứ không theo luật chung của Công an nhân dân và Quân đội nhân dân.

“Bởi vì xét thấy lực lượng cảnh vệ của Quân đội, Công an là lực lượng đặc biệt, có quy định về tiêu chuẩn riêng, hoạt động cũng phức tạp hơn nên tiêu chuẩn chính trị, giáo dục rèn luyện, kỹ năng, kỹ thuật cũng cao hơn. Chế độ chính sách đối với lực lượng cảnh vệ sẽ tuân thủ theo chế độ chính sách của QĐND và CAND, tuy nhiên, do tính chất hoạt động đặc thù nên sẽ có phụ cấp đặc thù với trợ cấp và hỗ trợ do Chính phủ quy định", ông Võ Trọng Việt cho biết thêm.

Trong số các khu vực trọng yếu nằm trong đối tượng cảnh vệ như Khu vực làm việc của Trung ương Đảng; của Chủ tịch nước; Quốc hội; Chính phủ, dự thảo Luật cũng quy định Khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vì đây là nơi diễn ra thường xuyên các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nguyên thủ quốc gia trong và ngoài nước nên vẫn là đối tượng cần được cảnh vệ.

Thay mặt cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: “Luật cảnh vệ được ban hành sẽ đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc cho các lực lượng CAND và QĐND tiến hành các hoạt động cần thiết để thực hiện có hiệu quả công tác cảnh vệ trong điều kiện mới hiện nay; khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật hiện hành, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, an toàn xã hội trong tình hình mới. Trên cơ sở ý kiến tham gia góp ý của các đại biểu, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục phố hợp chặt chẽ với Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội, các cơ quan hữu quan, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua”.

Phát biểu kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, trên cơ sở ý kiến của đại biểu, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Ban soạn thảo, cơ quan ban hành chỉnh sửa phù hợp để dự Luật này hoàn thiện hơn, trình Quốc hội thông qua vào ngày 20/6 tới.

Theo chương trình làm việc của Quốc hội, ngày 7/6, các đại biểu sẽ thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Buổi chiều, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về 2 Dự án Luật: Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và Luật Thủy sản (sửa đổi).

Bình luận