Đổi mới chương trình - sách giáo khoa: Đề nghị bóc tách kinh phí thực hiện

VOH - Đại biểu quốc hội đề nghị làm rõ mức chi phục vụ đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông là bao nhiêu, gồm những khoản nào?

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, đại biểu Quốc hội đã nhận được báo cáo kết quả giám sát về việc thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội khoá XIII và Nghị quyết số 51 của Quốc hội khoá XIV về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đánh giá cao một số nhóm giải pháp liên quan đến nội dung này, xong đại biểu Nguyễn Duy Thanh chỉ rõ, báo cáo giám sát có nêu số liệu trong giai đoạn 2015 - 2022, Chính phủ đã bố trí 213.449 tỷ đồng cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Đổi mới chương trình - sách giáo khoa: Đề nghị bóc tách kinh phí thực hiện 1
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Chi thường xuyên chiếm 38,3%, chi đầu tư chiếm 61,7%. Đại biểu đề nghị các cơ quan cung cấp số liệu cho biết mức chi trên vượt bao nhiêu so với mức chi bình thường cho giáo dục phổ thông theo quy định? Mức chi phục vụ đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông là bao nhiêu, gồm những khoản nào?

Theo đại biểu, nếu không rành mạch, rõ ràng, con số này có thể gây hiểu lầm về cách Chính phủ chi tiêu ngân sách nhà nước và kinh phí phí đổi mới chương trình sách giáo khoa.

Đổi mới chương trình - sách giáo khoa: Đề nghị bóc tách kinh phí thực hiện 2
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Tranh luận với đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau băn khoăn về số liệu kinh phí thực hiện chương trình sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong báo cáo của Đoàn giám sát, số liệu này dựa vào báo cáo của Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị bóc tách kinh phí thực hiện cho chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông là bao nhiêu là điều nên làm, tuy nhiên trong quá trình giám sát không thể làm được. Bởi vì quá trình triển khai chương trình sách giáo khoa mới là triển khai theo một lộ trình có sự tiếp nối giữa thực hiện chương trình cũ và chương trình mới, do vậy chỉ có thể bóc tách một số kinh phí thực hiện riêng - Đại biểu Mai Hoa nói. 

Đại biểu cũng thông tin về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa, nội dung này đã được thể hiện rõ trong báo cáo của Đoàn giám sát gửi tới Đại biểu Quốc hội.

Đổi mới chương trình - sách giáo khoa: Đề nghị bóc tách kinh phí thực hiện 3
Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Tranh luận với đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa về việc giao Bộ Giáo dục và đào tạo biên soạn sách giáo khoa, đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng thời điểm này không nên giao cho Bộ Giáo dục và đào tạo biên soạn bộ sách giáo khoa mà nên tập trung nghiên cứu, lựa chọn 1 bộ sách giáo khoa và sử dụng có hiệu quả bộ sách giáo khoa.

Theo đại biểu Lưu Bá Mạc, việc biên soạn bộ sách giáo khoa mới tại thời điểm này là không thực sự cấp thiết mà trên cơ sở các bộ sách giáo khoa hiện tại để lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp với năng lực và năng lực giảng dạy của giáo viên, đồng thời phù hợp với năng lực học tập cũng như mặt bằng của học sinh tại từng địa phương.

Đại biểu Lưu Bá Mạc cũng cho rằng cần giao cho chính những chủ thể này quyền được lựa chọn bộ sách giao khoa phù hợp với môn học và tình hình thực tiễn tại cơ sở giáo dục của mình.

Bình luận