Chờ...

Gia Lai đề xuất điều chỉnh rút chiều dài cao tốc Pleiku - Quy Nhơn

VOH - Theo phương án mới, chiều dài toàn tuyến sẽ giảm còn 143,2km, giảm 6.500 tỷ so với phương án cũ.

Tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ 15 (mở rộng) tổ chức ngày 5/4, Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai đã báo cáo về việc điều chỉnh phương án đầu tư Cao tốc Pleiku - Quy Nhơn từ hình thức hợp tác công tư (PPP) ban đầu sang đầu tư theo hình thức đầu tư công.

Ông Đoàn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai cho biết, để triển khai các thủ tục liên quan tới dự án, UBND hai tỉnh Gia Lai và Bình Định đã làm việc với Tổng Công ty quản lý vốn vào cuối năm 2023. Kết quả cho thấy, phương án triển khai dự án cao tốc Pleiku - Quy Nhơn theo hình thức hợp tác công tư khó khả thi, nên cần nghiên cứu lại theo hình thức đầu tư công.

Gia Lai đề xuất điều chỉnh rút chiều dài cao tốc Pleiku - Quy Nhơn 1
Điều chỉnh phương án đầu tư Cao tốc Pleiku - Quy Nhơn từ hình thức hợp tác công tư (PPP) sang đầu tư theo hình thức đầu tư công - Ảnh: TTXVN

Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai đã tính toán lại, đề xuất rút chiều dài cao tốc từ 151 km xuống chỉ còn 143 km, bỏ làn dừng khẩn cấp ở các đoạn cầu trên cao tốc. Theo phương án mới, quy mô vốn có thể giảm từ 44.200 tỷ đồng xuống còn hơn 37.600 tỷ đồng, giảm hơn 6.500 tỷ đồng so với tính toán ban đầu.

UBND tỉnh Gia Lai đã trình Ban thường vụ Tỉnh ủy sớm làm việc với tỉnh Bình Định để thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi Bình Định trả lời, hai tỉnh sẽ làm việc lại với Cục Cao tốc và Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) thống nhất lại về phương án tuyến, quy mô suất đầu tư.

Bước tiếp theo là xin ý kiến Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến hoàn thành trước tháng 4/2024.

Trước đó, tại buổi làm việc với đoàn công tác Chính phủ tháng 3/2024, lãnh đạo tỉnh Gia Lai đề nghị Chính phủ và các bộ ngành ủng hộ sớm triển khai dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ tạo động lực phát triển thu hút dòng vốn đầu tư vào vùng Tây Nguyên, rộng hơn nữa là phục vụ khu vực tam giác Việt Nam - Lào - Campuchia.

Bình luận