Chờ...

Giao cơ quan Quốc hội đề xuất hướng xử lý vụ án Hồ Duy Hải

(VOH) - Chiều 18/5, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV trong đó có câu hỏi về vụ án Hồ Duy Hải.

Trả lời câu hỏi của báo chí Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận có một số đại biểu gửi ý kiến bằng văn bản cho Thường vụ Quốc hội về nội dung này.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí chiều 18/5. Ảnh: TTO

Theo ông Phúc, vào ngày 8/5, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao công bố quyết định giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải. Theo đó, Hội đồng thẩm phán quyết định giữ nguyên bản án của tòa phúc thẩm của TAND tối cao tại TP.HCM.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài. Năm 2013, đoàn giám sát tối cao của Quốc hội đã tiến hành giám sát về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật. Báo cáo đã được trình Quốc hội. Chánh án TANDTC khi đó cũng có báo cáo chi tiết về vụ án Hồ Duy Hải. Sau đó, các cơ quan đã có sự xem xét, tuy nhiên dư luận vẫn có ý kiến.

"Đoàn giám sát đã có báo cáo chi tiết với Quốc hội về vụ án này. Thế nên mới có việc xem xét lại bản án", ông Phúc thông tin và cho biết tại thời điểm đó, gia đình bị cáo Hồ Duy Hải tiếp tục khiếu nại kêu oan, nhiều tổ chức quốc tế cũng quan tâm tới vụ án này. 

"Để có thời gian xem xét thật toàn diện và khách quan các vấn đề liên quan đến vụ án này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý theo đúng các quy định của pháp luật", ông Phúc cho biết.

Một số mốc diễn biến của vụ án:

Tối 13/1/2008, 2 nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, H.Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị sát hại dã man ngay tại nơi làm việc.

Ngày 21/3/2008, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An khởi tố, bắt tạm giam Hồ Duy Hải.

Ngày 1/12/2008, TAND tỉnh Long An tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải về 2 tội giết người và cướp tài sản. Ngày 28/4/2009, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM bác kháng cáo, y án tử hình đối với Hồ Duy Hải. Sau bản án tử hình, Hồ Duy Hải làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm hình phạt tử hình.

Ngày 24/5/2011, Chánh án TAND tối cao có quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm.

Ngày 24/10/2011, Viện trưởng Viện KSND tối cao cũng có quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm.

Ngày 17/5/2012, Chủ tịch nước có quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.

Ngày 4/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản yêu cầu tạm dừng thi hành án để xem xét rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không.

Ngày 22/11/2019, Viện trưởng Viện KSND tối cao ký ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên bị án Hồ Duy Hải tử hình, để điều tra lại.

Ngày 8/5/2020, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có quyết định giám đốc thẩm, bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao, giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Công an quận Tân Bình trả lời vụ cụ ông có 7 căn cước công dân - (VOH) – Ông Đ.V.Đ, 77 tuổi, ngụ quận Tân Bình, có 5 chứng minh nhân dân, 7 căn cước công dân và 2 sổ hộ khẩu. 

Bình luận