Chờ...

GRDP Đà Nẵng tăng 14,05% xếp thứ 3 cả nước

(VOH) - Ngày 30/12, Đà Nẵng công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng năm 2022, GRDP tăng 14,05% đứng thứ 3 cả nước.

Đà Nẵng xếp thứ 3/63 địa phương về tốc độ phát triển kinh tế; xếp thứ 17 về quy mô nền kinh tế.

So với 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng dẫn đầu về tốc độ phát triển và quy mô nền kinh tế trong vùng.

GRDP Đà Nẵng tăng 14,05% xếp thứ 3 cả nước 1
Quang cảnh họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội năm 2022 của Đà Nẵng - Ảnh: TTXVN

Theo Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng Trần Văn Vũ, kinh tế-xã hội Đà Nẵng khởi sắc trên nhiều lĩnh vực; một số lĩnh vực kinh tế mũi nhọn phục hồi nhanh, tăng trưởn cao.

Quỹ đạo phục hồi kinh tế Đà Nẵng năm 2022 chuyển biến tích cực, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 ước tăng 14,05% so với năm 2021.

Khu vực dịch vụ tăng trưởng 17,85%, đóng góp 13,31% mức tăng tổng giá trị tăng thêm (VA); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,39%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,39%.

Quy mô nền kinh tế đạt 125.219 tỷ đồng, mở rộng hơn 17.381 tỷ đồng so với năm 2021.

Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế, khu vực dịch vụ chiếm 68,38%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,43%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,95% và thuế sản phẩm chiếm 9,24% trên tổng GRDP.

Cơ cấu nền kinh tế tiếp tục dịch chuyển với xu hướng mở rộng dịch vụ thêm 1,62% so với năm 2021.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt 88,2% kế hoạch. Thu hút FDI giảm về số vốn so với cùng kỳ, bằng 46,8% so với năm 2021.

Việc triển khai đầu tư xây dựng các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới chậm tiến độ, chưa đảm bảo hạ tầng cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất. 

Phát triển cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng trước thiên tai còn thấp, có nguy cơ rủi ro trước các loại hình thiên tai nguy hiểm, quy mô lớn.

Năm 2023 theo ông Trần Văn Vũ, Đà Nẵng cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch mới, khôi phục lại các thị trường quốc tế trọng điểm và truyền thống. Triển khai các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các lĩnh vực công nghệ thông tin, hạ tầng chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng xanh

Bình luận