Chờ...

Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng có ý nghĩa như thế nào với Việt Nam?

VOH - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 19 đến 21/5.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, việc Thủ tướng Việt Nam tham dự hội nghị này có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện đối với Việt Nam.

Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng là một diễn đàn quốc tế quan trọng, quy tụ các nhà lãnh đạo của 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu và các quốc gia, tổ chức quốc tế có uy tín để thảo luận thúc đẩy hợp tác xử lý các vấn đề toàn cầu. Đây là lần thứ 3 Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng trong 7 năm trở lại đây.

Điều này phản ánh sự ghi nhận tích cực của các nước G7 và cộng đồng quốc tế đối với vị thế, uy tín, cũng như những nỗ lực và đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam vào thúc đẩy hợp tác quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu trong thời gian qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ ngày 22-25/11 - Ảnh: VGP

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tới đây, Việt Nam tiếp tục khẳng định lập trưởng nhất quán, nỗ lực hết sức mình cùng cộng đồng quốc tế đề xuất, triển khai các biện pháp thực chất, hiệu quả nhằm tăng cường hợp tác toàn cầu và khu vực trong việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch Covid-19...

Việt Nam quyết tâm thực hiện hiệu quả các cam kết của mình về chung tay giải quyết các vấn đề chung của thế giới và khu vực như cam kết giảm mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Bộ trưởng cho biết, qua tham dự hội nghị, chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm phát triển của mình từ góc độ một quốc gia đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; đồng thời, cũng mong muốn các nước G7 và các nước dự hội nghị chia sẻ những bài học, thực tiễn tốt, cách làm hiệu quả trong xử lý các vấn đề toàn cầu cũng như các thách thức đối với phát triển bền vững, nhất là với các nước đang phát triển.

Trên bình diện quan hệ song phương, đây là lần thứ 2 Nhật Bản trên cương vị Chủ nhà của G7 mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng. Càng có ý nghĩa hơn, khi Việt Nam dự hội nghị này đúng vào dịp hai nước cùng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Điều này là một minh chứng sinh động cho sự tin cậy chính trị cao giữa hai nước, cũng như sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản; đồng thời, thể hiện hai nước chia sẻ điểm đồng và lợi ích trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực.

Xem thêm: G7 thảo luận về hạ tầng số và quản trị AI

Nhân dự hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ hội đàm với Thủ tướng Fumio Kishida, gặp gỡ các nhà lãnh đạo, doanh nghiệp và bạn bè Nhật Bản để cùng trao đổi các hướng đi, biện pháp nhằm tạo động lực mới cho quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn, phục vụ tốt hơn lợi ích của nhân dân hai nước, cũng như đóng góp tích cực hơn cho hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, tham dự hội nghị cũng là dịp để Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế để thúc đẩy hợp tác song phương và trao đổi các vấn đề cùng quan tâm.

Nhóm G7 được thành lập vào năm 1976, là một liên minh gồm 7 nước có nền công nghiệp tiên tiến: Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italy. Cùng với Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), G7 đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và củng cố cấu trúc và quản trị toàn cầu.

G7 còn là tập hợp tiếng nói, phản ánh quan điểm tương đồng và lợi ích của các quốc gia phát triển trong giải quyết các vấn đề chung về an ninh quốc tế và thúc đẩy các cuộc thảo luận giải quyết thách thức toàn cầu.

Các thành viên nhóm G7 sở hữu tổng cộng hơn một nửa giá trị tài sản thế giới, thường xuyên chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu, với thị trường khoảng 10% tổng dân số thế giới.

Hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức hàng năm, tập trung trao đổi, thúc đẩy, giải quyết các vấn đề toàn cầu từ kinh tế, chính trị, xã hội, gồm tài chính, tăng trưởng, công nghệ, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, dịch bệnh, bình đẳng giới, các điểm nóng, xung đột trên toàn cầu…

Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7, với sự tham dự của các nước và tổ chức quốc tế khách mời, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự tham dự và đóng góp của các nước đang phát triển, đẩy mạnh quan hệ đối tác của G7 với các nước đang phát triển trong giải quyết các thách thức toàn cầu.

Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần thứ 49 diễn ra từ ngày 19-22/5 tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản, trong đó Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng từ ngày 20-21/5.

Bình luận