Chờ...

Huy động sức dân để chăm lo cho dân

(VOH) - Trong bất kỳ giai đoạn nào, Dân vận và công tác dân vận luôn được đánh giá là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của đất nước, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi có Nghị quyết về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, công tác dân vận tại TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần xây dựng thành phố ngày càng phát triển văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Nhân kỷ niệm 84 năm ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930-15/10/2014), bà Trần Kim Yến - Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM đã trao đổi với PV Đài.

Bà Trần Kim Yến – Phó Trưởng Ban Dân vận Thành Ủy TPHCM (ảnh: thanhdoan)

* Nhân Ngày truyền thống ngành Dân vận của Đảng, bà có thể nói rõ hơn về vai trò của công tác dân vận trong tình hình hiện nay?

- Bà Trần Kim Yến: Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định “Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của đất nước, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Và trong giai đoạn nào cũng vậy, dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nước ta; có khác chăng chỉ là phương thức, cách làm cho phù hợp với tình hình hiện tại. Cụ thể: Công tác dân vận trong giai đoạn cách mạng kháng chiến chắc chắn khác với công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay về phương thức và cách làm. Nhưng dân vận và công tác dân vận vẫn là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân góp thành lực lượng toàn dân để thực hành những công việc Chính phủ, đoàn thể giao cho, hay nói một cách dễ hiệu nhất là huy động sức dân để thực hiện các công việc của dân.

* Trung ương đã ra Nghị quyết về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, bà hãy cho biết một số kết quả thực hiện nghị quyết này ở TP trong thời gian qua?

- Bà Trần Kim Yến: Quán triệt các quan điểm của nghị quyết 25 về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, cấp ủy, chính quyền các cấp TP.HCM tập trung thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ước 4 khóa XI về xây dựng Đảng. Có thể tóm tắt bằng hai nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất là giải quyết các vấn đề cấp bách, bức xúc của nhân dân theo hướng “những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Nhóm này được thực hiện với phương châm: những vấn đề thuộc thẩm quyền thành phố thì mạnh dạn thay đổi nếu chủ trương không phù hợp, đề ra chủ trương mới và kiên quyết thực hiện, đồng thời chủ động kiến nghị với Trung ương các vấn đề không thuộc thẩm quyền. Thành ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp với các tầng lớp nhân dân, đối thoại, cầu thị, lắng nghe, ban hành cơ chế phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và thực tiễn cuộc sống, để hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và tạo điều kiện cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân.

Thứ hai là nâng cao năng lực hiệu quả của các cơ quan Nhà nước, tập trung là cải cách hành chính và chấn chỉnh thái độ phục vụ, phòng chống nhũng nhiễu, phiền hà, vô cảm với nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp của cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ. Thành phố tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng và phân cấp việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng hằng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức. Chỉ đạo tăng cường giám sát, kiểm tra, chấn chỉnh thái độ tiếp xúc, trách nhiệm của cán bộ, công chức.

* Mục tiêu và giải pháp trong công tác dân vận của TP.HCM trong thời gian tới là gì, thưa bà?

- Bà Trần Kim Yến: Để thực hiện chương trình 25 của Trung ương thì Thành ủy đã ban hành chương trình hành động số 35, trong đó có 9 nhóm giải pháp cụ thể, tôi tóm tắt thành 4 nhóm giải pháp.

Thứ nhất là tập trung công tác xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức theo tinh thần Nghị quyết TW 4, thường xuyên tự chỉnh đốn, đổi mới phương thức lãnh đạo, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường đoàn kết, tạo sự thống nhất về tư tưởng, tổ chức và hành độn trong toàn Đảng bộ.

Thứ hai là: bám sát thực tiễn, thực hiện tốt công tác chăm lo nhu cầu chính đáng, hợp pháp của nhân dân, mọi chính sách phải vì nhân dân, xuất phát từ quyền lợi của nhân dân, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân. Điều đó đòi hỏi các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên phải bám sát thực tiễn, trọng dân, tin dân, lắng nghe ý kiến của dân và kịp thời giải quyết thỏa đáng các vấn đề bức xúc của nhân dân, xây dựng được thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ ba là phải luôn nhạy bén, sáng tạo, phát hiện và kịp thời giải quyết những vấn đề mới nảy sinh trong điều kiện có nhiều khó khăn, phức tạp, biết chọn vấn đề, suy nghĩ ra cách làm, cách giải quyết những lĩnh vực mà nhân dân yêu cầu, đồng thời phải quan tâm tổng kết thực tiễn và kịp thời đề xuất Trung ương sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách mới phù hợp, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Thứ tư là nhận thức đúng vai trò, vị trí của thành phố đối với cả nước về yêu cầu bảo đảm giữ vững ổn định chính trị trong mọi tình huống là kinh nghiệm vừa mang tính thời sự, cấp bách, vừa cơ bản lâu dài. Phải quan tâm chăm lo, củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng võ trang, lực lượng chính trị nòng cốt ngày càng vững mạnh để giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tóm lại: Phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, mạnh mẽ, liên tục, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đi đầu trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020; đó là “xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp CNH-HĐH, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước, từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á, góp phần tích cực đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

* Cảm ơn bà.

Bình luận