Chờ...

Không thể chấp nhận tình trạng đánh bắt cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè

(VOH) - Con kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được cải tạo, nâng cấp đã mang lại một diện mạo mới cho cảnh quan TP. Tuy nhiên, niềm vui ấy không trọn vẹn bởi một hành vi rất phản cảm, cần xử lý triệt để.

Công khai hàng ngày

Đó là việc nhiều người đang “ra sức tận diệt” nguồn cá tôm trên dòng kênh này. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng dùng các loại cần câu, sử dụng điện - bình ắc quy, thả lưới đáy mắt nhỏ và cả xung điện để đánh bắt cá cả lớn lẫn nhỏ đang diễn ra công khai hàng ngày, đặc biệt là vào ban đêm trên kênh rạch ở các quận 1,3, Phú Nhuận và Tân Bình, nơi dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè chảy ngang…Chứng kiến cảnh đánh bắt cá tôm theo kiểu này, ông Nguyễn Văn Hải, một người dân sống ven kênh trên đường Trần Khánh Dư - Quận 1 cho rằng điều này không thể chấp nhận được ! Đây là sự tận diệt nguồn tôm cá đang đựợc nuôi trở lại tại các sông rạch trên địa bàn thành phố.

Một người chuyên sống bằng nghề đánh bắt cá ở phường 2, quận Phú Nhuận cho biết: “Từ trước tới nay, chính quyền và cơ quan chức năng không thấy nói gì vì lý do đó, bây giờ tôi chuyển sang dùng xung điện vì dễ dùng, chứ kiểu quăng lưới, tung chài chẳng ăn thua. Đồ nghề của tôi khi nhúng xuống nước và bật công tắc sẽ phóng điện làm tôm cá mất khả năng tự vệ và cứ thế vớt vào ghe." Đánh bắt cá bằng các dụng cụ xung điện không chỉ tận diệt nguồn lợi thủy sản mà còn là “lưỡi hái tử thần” đối với tính mạng của người đi đánh bắt. Người này còn cho biết thêm: “Đánh cá bằng điện rất nguy hiểm, mất mạng như chơi. Chúng tôi biết nhưng vì mưu sinh nên phải làm”.

 

Câu cá ngay bên cạnh bảng cấm - Ảnh: TTO.

Khó xử lý ? 

Phòng Tài nguyên Môi trường quận 3 cho biết: “Quận 3 có kế hoạch triển khai đến các phường có dòng kênh đi qua về việc tăng cường kiểm tra, xử lý nạn đánh bắt cá bằng xung điện. Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền tại các buổi họp dân và hệ thống thông tin để người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản”.

Ông Nguyễn An Minh, Chủ tịch UBND phường 7, quận 3 cho hay: "Qua kiểm tra của dân phòng và lực lượng môi trường thì các hộ vi phạm đa phần nghèo, khó khăn nên khó xử lý. Do là các hộ dân nhập cư, sống không cố định nên việc quản lý và chuyển nghề cũng gặp không ít khó khăn. Vì vậy, chính sách xã hội để tạo việc làm chuyển đổi nghề cho họ không thực hiện được "

Sử dụng xung điện hủy diệt cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - Ảnh: TTO.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội đồng tuyên truyền giáo dục pháp luật TP, Luật bảo vệ môi trường quy định rất rõ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản. Theo quy định, hành vi sử dụng công cụ kích điện, đánh bắt thủy sản có kích thước nhỏ, khai thác vượt quá mức cho phép là không hợp pháp. "Điều 7 - Luật Bảo vệ môi trường có quy định nghiêm cấm những hành vi khai thác nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ, phương pháp hủy diệt không đúng thời vụ và sản lượng theo quy định của pháp luật. Điều 6 - Luật Thủy sản có quy định cấm khai thác thủy sản ở khu vực cấm, khu vực đang trong thời gian cấm hoặc sử dụng các loại chất nổ, chất độc, xung điện hoặc các phương pháp có tính hủy diệt. Những hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính từ 2.000.000 - 4.000.000 đồng, đồng thời tịch thu thiết bị, ngư cụ". Ông Hậu lưu ý.

Bà Nguyễn Trung Châu Tuyên, Bí thư Đảng ủy phường Đa Kao,quận 1 cho rằng “Người dân cùng chính quyền địa phương cần vào cuộc để giải quyết tình trạng này, không để cạn kiệt nguồn lợi thủy sản cũng như gây nguy hiểm tới tính mạng của người dân”Như vậy, vai trò của người dân địa phương cũng là một phần tất yếu và rất quan trọng góp phần bảo vệ nguồn thủy sinh trên sông rạch và bảo vệ môi trường sống của chúng ta. 

Bình luận