Chờ...

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Thông qua Luật Đầu tư công và Luật Kiến trúc

(VOH) - Chiều 13/6, với 88,64% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Kiến trúc.

Trước khi thông qua Luật, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kiến trúc do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày. Theo đó, Luật gồm 5 chương với 41 điều, quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.

Một nội dung quan trọng của Luật là nguyên tắc hoạt động kiến trúc được quy định: phù hợp với định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới.

Nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong quá trình thảo luận là vấn đề về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc. Luật quy định rõ: Bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc bao gồm đặc điểm, tính chất tiêu biểu, dấu ấn đặc trưng về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, văn hóa, nghệ thuật; thuần phong mỹ tục các dân tộc; kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng, được thể hiện trong các công trình kiến trúc, tạo nên một phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Kiến trúc. (Ảnh: TTXVN)

Thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi)

Trước đó, vào sáng nay (13/6) với 90,7% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Luật gồm 6 chương, 101 điều, quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trước Quốc hội sáng 13/6, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C (Điều 7 đến Điều 10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo kết quả phiếu xin ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, giữ tiêu chí phân loại dự án như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành.

Về “Nội dung báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt," Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ cơ bản như quy định tại Điều 52 của Luật Đầu tư công hiện hành, chỉ bổ sung nội dung trình về “định hướng cơ cấu đầu tư theo ngành, lĩnh vực trong trung hạn” và tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương; tổng mức vốn của từng cơ quan, tổ chức được giao kế hoạch vốn đầu tư công tại khoản 2, khoản 4 Điều 49 của dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước về các lĩnh vực chi ngân sách nhà nước. Theo đó, hồ sơ trình Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công trung hạn bao gồm các nội dung quy định tại Điều 49 của dự thảo Luật.

Liên quan đến quy trình, thời gian trình, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy trình, thủ tục như quy định tại Điều 65 của Luật Đầu tư công hiện hành, chỉ chỉnh lý về mặt thời gian để phù hợp với quy định Quốc hội khóa mới quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn mới.

Cũng trong sáng 13/6, Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Bình luận