Chờ...

Ký ức mùa bầu cử

(VOH) -  Quốc hội Việt Nam đến nay đã trải qua 75 năm kể từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên với 14 nhiệm kỳ.

Thời gian đã xa, nhưng ký ức vẫn không phai mờ đối với những người từng gắn bó với những thời điểm lịch sử qua các thời kỳ. Để cung cấp thêm cho đồng bào Thành phố những vấn đề liên quan đến công tác bầu cử nhiệm kỳ này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố phối hợp với Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố (VOH) tổ chức tọa đàm “Đồng hành cùng bầu cử”, kỳ 1 chủ đề: “Ký ức mùa bầu cử” với sự tham dự của các vị khách mời: Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố, nguyên Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM khoá XII, đại biểu Quốc hội khóa IX, XI, XII; bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM, đại biểu Quốc hội khoá XIII, XIV; ông Huỳnh Thành Lập, nguyên Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM khóa XIII, Ủy viên Ban Thường vụ Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Thành phố, Chủ tịch Hội hữu nghị ViệtNam - Ấn Độ; PGS.TS Hà Minh Hồng, nguyên Trưởng bộ môn Lịch sử Việt Nam, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Ký ức mùa bầu cử 1
 

*VOH: Từ cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra đời, đánh dấu bước nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước Việt Nam mới. Và hôm nay, trải qua 14 nhiệm kỳ kể từ cuộc tổng tuyển cử khóa đầu tiên, thưa bà Phạm Phương Thảo, bà chia sẻ cô đọng về cảm tưởng trong ngày này, khi nhớ về những ký ức đối với những kỳ bầu cử đã qua? Kỳ bầu cử nào để lại trong bà ấn tượng sâu sắc nhất.

Bà Phạm Phương Thảo: Tôi đã được đi bầu cử 9 lần từ sau ngày đất nước thống nhất ở đơn vị quận 3 và quận 1. Ấn tượng nhất là lần đầu tiên đi bầu Quốc hội khóa VI, ngày 25/4 năm 1976. Đây được xem là một dấu mốc lịch sử, là một cái bản lề giữa hai thời kỳ đất nước ở thời hiện đại, đó là kết thúc 30 năm đấu tranh giành hòa bình, thống nhất, chuyển sang thời kỳ xây dựng đất nước độc lập, dân chủ, phồn vinh. Bấy giờ, tôi sinh con được hơn một tháng nhưng tôi vẫn đến điểm bầu cử. Ở khu vực này có cả ông Dương Văn Minh, ông là Tổng thống cuối cùng của Việt Nam cộng hòa được đi bầu. Đến điểm bầu, tất cả đều có chung niềm vui là người dân của một nước Việt Nam độc lập làm chủ vận mệnh của mình. Sau đó tôi đã có 3 lần ứng cử vào Hội đồng nhân dân Thành phố, khóa II, khóa III và khóa VII. Tôi cũng có 3 lần ứng cử vào Đại biểu Quốc hội. Khóa IX thì tôi ứng cử tại Minh Hải. Khóa XI, XII thì ứng cử tại TPHCM ở đơn vị Quận 4 và Quận 6. Có những lần bầu cử tôi được giữ chức Chủ tịch ủy ban bầu cử tại TPHCM. Với nhiệm vụ nặng nề đó, cứ 2 tiếng đồng hồ là báo cáo tiến độ bầu cử lên Trung ương một lần. Qua thời gian, ký ức về những ngày bầu cử đối với tôi vẫn là ký ức đẹp, vẫn còn rất đáng nhớ.

* VOH:

 Xin cảm ơn những chia sẻ của bà Phạm Phương Thảo với những hồi ức nhớ về những kỳ bầu cử đầu tiên. Và nhân đây chúng tôi cũng mong muốn được nghe những chia sẻ từ bà Nguyễn Thị Quyết Tâm?

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: Đối với tôi lần đầu tiên mình được đi bầu cử đến bây giờ nghĩ lại nó vẫn nguyên vẹn cái cảm xúc của người lần đầu tiên được cầm lá phiếu tham gia vào sự kiện trọng đại của đất nước. Cái thời mà đất nước mình còn trong thời kỳ kinh tế bao cấp, rất khó khăn. Những người con gái như chúng tôi không có nhiều quần áo đẹp như bây giờ, một hai bộ tươm tất là đã tốt rồi nhưng đến ngày bầu cử bao giờ cũng lựa chọn bộ quần áo nào đẹp nhất để đi bầu cử và đi thật sớm. Một tâm trạng háo hức để thực hiện quyền công dân của mình, vừa háo hức, trách nhiệm và lo lắng ghê lắm. Hồi đó mình còn trẻ nên lo lắng không biết chọn lựa như thế nào. Cũng đi trao đổi, xin ý kiến các cô, các chú lớn tuổi hơn ở trong đơn vị của mình. Trong đó, cuộc bầu cử để lại ấn tượng sâu sắc nhất với tôi là khi được giới thiệu ra ứng cử Đại biểu Quốc hội Khóa XIII. Thực sự cuộc bầu cử đó để lại trong tôi rất nhiều ký ức đẹp, cho nên tôi đọc thật kỹ tiêu chuẩn, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và rà soát lại nhiệm vụ đang làm của mình là gì? Khả năn của mình tới đâu? Để mình trình bày với cô bác cử tri những việc mình sẽ làm. Rồi cả những việc mình sẽ nỗ lực để làm. Đây là kỳ bầu cử đã để lại cho tôi rất nhiều ký ức và đến bây giờ nó cũng vậy thôi.

* VOH: Qua chia sẻ của bà Phạm Phương Thảo và bà Nguyễn Thị Quyết Tâm chúng ta cảm thấy rất xúc động. Tôi tin rằng vẫn nhiều những ký ức đẹp mà quý vị muốn chia sẻ tại đây, và thưa ông Huỳnh Thành Lập, ông có chia sẻ gì thêm về những ký ức đối với những kỳ bầu cử đã qua?

Ông Huỳnh Thành Lập: Đối với tôi không thể nào quên kỳ Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất nước nhà sau đại thắng mùa xuân 30/4/1975. Đó là bầu Quốc hội khóa VI, năm 1976. Lúc đó tôi còn là thanh niên phục vụ cho phòng bầu phiếu đại biểu Quốc hội của đơn vị bầu cử huyện Hóc Môn, xã Trung Mỹ Tây. Bà con đi bầu từ sớm và ai cũng náo nức làm tốt nhiệm vụ thiêng liêng là bầu Quốc hội thống nhất nước nhà. Bà con họp ở các tổ nhân dân để tìm hiểu tiểu sử ứng cử viên cũng như các cuộc họp tiếp xúc cử tri. Nơi nào cũng chật ních người dự, cười nói vui vẻ và góp ý rất thẳng thắn cho ứng cử viên. Nhiều hộ gia đình gần như cả nhà đi dự hết: ông bà, cha mẹ và ẵm theo cả em bé để tham dự cuộc họp tiếp xúc cử tri cũng như ngồi ban đêm để mạn đàm quá trình công tác, tiểu sử của các ứng cử viên để chọn lựa người tài, đức vào Quốc hội. Cuộc bầu cử Quốc hội thống nhất nước nhà sau mùa xuân đại thắng 30/4/1975, bầu ra Quốc hội Khóa VI đã thành công rực rỡ, cử tri đi bầu rất đông. Và với tôi, ký ức năm 1992, trong đoàn tiếp xúc cử tri của ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa IX tại các huyện Củ Chi và Hóc Môn, trong đó có ông Phan Văn Khải, sau này là Thủ tướng. Ứng cử viên Phan Văn Khải có nhắc tôi là phải ghi chép đầy đủ ý kiến của cử tri. Việc lớn nhỏ ở địa phương, xã phường hay của Trung ương đều phải có trách nhiệm báo cáo, phản ánh đầy đủ. Đắc cử hay không, vẫn phải tâm huyết và trên cương vị gì cũng phải quan tâm, theo dõi kiến nghị của dân có được giải quyết hay không. Đến Quốc hội khóa XI tôi được làm phó đoàn Quốc hội chuyên trách cho đồng chí Trưởng đoàn, Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết nhắc tôi phải lên lịch các cuộc tiếp xúc cử tri thật nhiều, phải thật sâu, rộng, gặp gỡ được các tầng lớp cử tri và sau khi đắc cử rồi thì cứ 6 tháng ông Nguyễn Minh Triết lại nhắc nhở phải gặp gỡ theo các chuyên đề: Gặp gỡ các doanh nghiệp, các giới khoa học kỹ thuật.

* VOH: Thưa quý vị! Để có thể nhìn được chiều dài lịch sử qua các kỳ bầu cử có lẽ không thể thiếu những chia sẻ từ PGS.TS. Hà Minh Hồng. Nhân đây cũng xin mời ông có chia sẻ gì về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa?

PGS.TS. Hà Minh Hồng: Bác Hồ từng gọi ngày Tổng tuyển cử là “ngày vui sướng của đồng bào ta”, bởi lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam nhân dân được hưởng dụng quyền dân chủ của mình và “đã phải hy sinh nhiều mới có cái quyền cầm lá phiếu… Cụ Phan Đình Phùng, cụ Hoàng Hoa Thám đã khó nhọc về cái quyền dân chủ ấy… Biết bao người đã bị bắn, bị chém, đã đeo cái tên chính trị phạm và bị nhốt đầy các nhà tù Sơn La, Côn Đảo, Buôn Ma Thuột... mới đòi được cái quyền bầu cử”. “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà”; “Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”.

Cuộc bầu cử Quốc hội ngày 6/1/1946 là lần đầu tiên Việt Nam có “cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”. Thắng lợi của Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội là mốc son chói lọi, bước tiến nhảy vọt đầu tiên của thể chế dân chủ Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước có Quốc hội, Chính phủ thống nhất, có Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý. Chỉ hơn 4 tháng sau ngày độc lập, Tổng tuyển cử có ý nghĩa là tự do bình đẳng; là dân chủ, đoàn kết”, là sự biểu thị khát vọng dân chủ của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.

* VOH: Xin trân trọng cảm ơn các khách mời!

Bình luận