Chờ...

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vẫn nhận được nhiều ý kiến thảo luận khác nhau

(VOH) - Sáng 24/10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Thực hiện Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 24/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Dự án Luật gồm 16 Chương, 175 Điều được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 6/2020 và tiếp tục gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội cùng một số cơ quan, tổ chức liên quan.

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vẫn nhận được nhiều ý kiến thảo luận khác nhau
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng. Ảnh: quochoi

Tại kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo số 599/BC-UBTVQH14 giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) hướng tới mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ và thống nhất, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả và tạo nên sự thay đổi có tính chất “cách mạng” trong nhận thức, hành vi, ứng xử của người dân với môi trường: “Các chính sách cơ bản về bảo vệ môi trường cơ bản được thể hiện trong luật. Quy định về cơ sở sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường điều 146 và mua sắm các sản phẩm thân thiện môi trường điều 147”.

Do liên quan đến các vấn đề mang tính khoa học và có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vì vậy dù trải qua nhiều hội thảo, hội nghị lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhưng dự thảo Luật cho đến nay vẫn có một số điều khoản còn nhiều ý kiến khác nhau. Tại kỳ họp này, các Đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, đóng góp ý kiến để hoàn thiện và thông qua vào cuối kỳ họp.

Chiều nay, Quốc hội sẽ dành thời gian nghe các Bộ trưởng trình bày Tờ trình về 1 số dự án luật như: Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Bình luận