Chờ...

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có bảo vệ được người mua hàng qua mạng?

(VOH) - Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được những bất cập trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dung, đặc biệt là người tiêu dùng mua hàng qua mạng.

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là một trong 7 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4. Đây là dự án Luật nhận được nhiều quan tâm, góp ý từ phía người dân - đối tượng chịu sự tác động. Nhiều ý kiến chuyên gia đồng tình cao với sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật hiện hành nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế đồng thời đảm bảo phù hợp với các văn bản trong hệ thống pháp luật; đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế…

mua hàng qua mạng
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ bổ sung một số điều khoảng bảo vệ người tiêu dùng mua hàng qua mạng

Theo Ths. Nguyễn Ngọc Quyên, Trường Đại học Luật Hà Nội, nhiều quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 được ban hành trước thời điểm bùng nổ thương mại điện tử ở Việt Nam nên không còn phù hợp để điều chỉnh đối với vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Ths. Nguyễn Ngọc Quyên chỉ rõ, pháp luật hiện hành chưa có cơ sở pháp lý để can thiệp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch mua sắm trực tuyến xuyên biên giới, các sàn giao dịch thương mại điện tử ít bị ràng buộc trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, hỗ trợ giải quyết tranh chấp tiêu dùng; quy định về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong các giao dịch trực tuyến vẫn còn lỏng lẻo dẫn đến nhiều trường hợp tiết lộ, rò rỉ thông tin, gây thiệt hại cho người tiêu dùng...

Để khắc phục những hạn chế này, dự thảo Luật sửa đổi đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch điện tử. Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng không chỉ dừng lại đối với nền tảng bán hàng trực tuyến mà còn mở rộng sang đối với nền tảng trung gian trực tuyến. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng sẽ phải chịu thêm nhiều trách nhiệm đặc biệt là trong cung cấp hàng hóa, dịch vụ và bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng, thông tin về quá trình tiêu dùng, các thông tin khác do người tiêu dùng hoặc tổ chức, cá nhân đưa ra liên quan đến giao dịch.

Ths.Nguyễn Ngọc Quyên, Trường Đại học Luật Hà Nội
Ths. Nguyễn Ngọc Quyên, Trường Đại học Luật Hà Nội

Với vai trò là đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo luật sửa đổi lần này, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cũng nhận định, một số quy định hiện nay của Luật chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh – tiêu dùng có tính truyền thống mà chưa tính đến một số phương thức mới, theo sự phát triển của thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số, nền tảng chia sẻ và công nghệ 4.0. Bởi vậy, nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng hoặc nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan phát sinh mới trong thực tiễn chưa được quy định, điều chỉnh cụ thể.

Theo ông Tuấn, để sửa đổi, cơ quan liên quan đã có nghiên cứu, đánh giá quy định hiện hành và thực tiễn thực thi trên toàn quốc để xác định rõ những hạn chế, bất cập nêu trên. Đồng thời, cũng đã nghiên cứu pháp luật và kinh nghiệm của rất nhiều nước trên thế giới.

Ông Tuấn cho biết, các hành vi vi phạm nghiêm trọng sẽ được đưa vào điều khoản cấm (Điều 17). Dự thảo sửa đổi đã bổ sung nhiều quy định mới về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng như: Trách nhiệm trong bảo vệ thông tin của người tiêu dùng (như thu thập, lưu trữ, sử dụng, chia sẻ, tiết lộ và chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba, kiểm tra, chỉnh sửa, cập nhật, hoặc hủy bỏ thông tin); trách nhiệm cung cấp thông tin (bao gồm trách nhiệm của bên thứ 3)…

Bộ Công thương đã tiếp nhận ý kiến đóng góp của 21/28 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 54/63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và nhiều ý kiến đóng góp của các công ty luật, doanh nghiệp, Hội Bảo vệ người tiêu dùng, tổ chức quốc tế và nhiều chuyên gia, cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước… để hoàn thành Dự thảo.

Dự thảo cũng qua rất nhiều lần chỉnh sửa, hoàn thiện sau quá trình thẩm định, cho ý kiến của các thành viên Chính phủ, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, toàn thể các Ủy ban của Quốc hội và Ủy ban thường trực của Quốc hội.

Do đó, ông Tuấn cho rằng, những nội dung ở dự thảo mới rất cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn khi tham gia giao dịch trên các nền tảng số, cũng như đảm bảo hoạt động kinh doanh lành mạnh trên không gian mạng.

Sáng nay (2/11), Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) bổ sung mới 29 Điều khoản, sửa đổi 49 Điều khoản và giữ nguyên 02 Điều khoản. Dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung về: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung…

Tại Việt Nam, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã bắt đầu được quan tâm từ những năm 90 của thế kỷ 20 và đánh dấu bằng sự ra đời của Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 27/4/1999. Đây là văn bản pháp lý mang tính tổng hợp đầu tiên của Việt Nam quy định tương đối đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh và của các chủ thể khác trong việc bảo vệ quyền lợi người  tiêu dùng.

Sau hơn 10 năm thực thi, trước sự thay đổi của nền kinh tế đất nước cũng như hội nhập sâu rộng, để bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi người tiêu dùng, Quốc hội đã thông qua Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.

Bình luận