Chờ...

Mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai khiến nhiều doanh nghiệp ‘loay hoay’

(VOH) – Ngày 12/4, Tổ công tác đặc biệt của TTCP do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu, có buổi làm việc với lãnh đạo của các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh.

Tại buổi làm việc, đại diện các tỉnh đề xuất một số kiến nghị liên quan đến một số vấn đề như: xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động; việc lựa chọn đơn vị tư vấn giá đất.

Vướng mắc trong việc xác định nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư.

Hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện việc phê duyệt dự toán mua sắm trước khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu mua thuốc, vật tư y tế…; Các vướng mắc liên quan quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai khiến nhiều doanh nghiệp ‘loay hoay’ 1

Quang cảnh buổi làm việc - Ảnh: TTXVN

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai khiến nhiều doanh nghiệp loay hoay với công tác đấu thầu.

Công tác gia hạn nhiều dự án còn bất cập, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19, doanh nghiệp thực hiện không đúng tiến độ, nếu theo quy định sẽ phải thu hồi, trong khi địa phương cũng chưa có phương án xử lý khi thực hiện thu hồi.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đề xuất Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp; Hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương cho các dự án giao thông; trách nhiệm thực hiện di dời lưới điện tồn tại trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phục vụ thi công các dự án đầu tư.

Phương án, phương thức đầu tư đường cao tốc TPHCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành; Thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; Việc xác định các khoản được trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất,... 

Xem thêm: Điểm tin sáng 13/4: Bộ Y tế chỉ đạo khẩn về Covid-19 | Nữ kế toán lừa đảo chiếm đoạt hơn 10 tỷ

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các tỉnh báo cáo chi tiết những vấn đề khó khăn, xây dựng các phụ lục, nhiệm vụ cụ thể đến từng bộ, ngành và đề xuất phương hướng rõ ràng đến Tổ công tác.

Đại diện các ban, ngành Trung ương trong Tổ công tác cần chủ động nắm bắt những ý kiến, nguyện vọng của địa phương để phối hợp giải quyết từng vấn đề, vì sự phát triển chung của vùng Đông Nam Bộ.

Bình luận