Chờ...

Liệu một số đại biểu Quốc hội đề nghị tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng từ 1/1/2023 có khả thi?

(VOH) – Theo tổng hợp đề xuất từ các tổ thảo luận, có nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị đưa thời hạn nâng lương cơ sở từ 1/7/2023 lên 1/1/2023.

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết trong bản tổng hợp các ý kiến từ 19 tổ thảo luận, nhiều ý kiến nhất trí tăng mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8 %) và tăng chi trả cho một số đối tượng như phương án Chính phủ trình.

Với thời điểm tăng lương, nhiều đại biểu bày tỏ mốc 1/7/2023 là gây khó khăn cho người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đặc biệt là ngành giáo dục, ngành y tế cán bộ, công chức kể cả cấp xã. Vì tính từ thời điểm tăng lương hồi tháng 7/2019 đến tháng 7/2023 là mất 4 năm.

11 đại biểu Quốc hội chia sẻ ý kiến mong muốn Chính phủ rút ngắn thời hạn tăng lương cơ sở, cân đối nguồn để bảo đảm điều chỉnh tăng lương sớm hơn từ ngày 1/1/2023, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương.

Một số đại biểu Quốc hội đề nghị chọn 1/1/2023 làm thời hạn tăng lương cơ sở 1
Ảnh minh họa

Các đại biểu cũng nêu ý kiến tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do Ngân sách Nhà nước chi trả và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; trợ cấp ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội; điều chỉnh phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Các kiến nghị đều xoay quanh việc gấp rút cải cách chế độ lương nhằm giải quyết vấn đề công chức, viên chức nghỉ việc do chế độ tiền lương chưa đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Đại biểu cũng đề nghị điều chỉnh tăng trợ cấp cho người có công phải đảm bảo cao hơn chuẩn nghèo đô thị; đồng thời điều chỉnh tăng trợ cấp bảo trợ xã hội lên cao hơn để phù hợp với mức chuẩn nghèo ở thành thị và nông thôn. Mức trợ cấp hiện tại 360.000 đồng/người/tháng là còn khá thấp.

Các mức trợ cấp này cũng cần được điều chỉnh từ ngày 1/7/2023 để bảo đảm tính thống nhất.

Một số đại biểu đề xuất xem xét tăng lương không nên xét “cào bằng”, cần tính toán sao cho những người thuộc nhóm có mức lương thấp được hưởng lợi hơn. Phải có đánh giá lại mức sống cơ bản, mức sống tối thiểu theo vùng miền, khu vực. Đề nghị xem xét không tăng lương cơ sở đối với những đơn vị, địa phương có cơ chế đặc thù.

Liệu chính phủ có chuẩn bị đủ nguồn kinh phí để áp dụng tăng lương ngay từ ngày 1/1/2023 hay không thay vì từ ngày 1/7/2023?

Bình luận