Chờ...

Một số tiêu chuẩn PCCC thiếu thực tế, không có tính khả thi

VOH - Dự án Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận, cho ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 28/8.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cho biết, theo thống kê, các bộ, ngành đã xây dựng 230 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, nhưng rất bất cập khi có tiêu chuẩn vừa được ban hành đã được thay đổi bằng tiêu chuẩn mới, thậm chí "3 năm 3 quy chuẩn", chỉ việc đọc và hiểu các tiêu chuẩn đã rất khó khăn cho triển khai thực hiện.

Đại biểu đánh giá: "Một số tiêu chuẩn thiếu thực tế, không có tính khả thi, do đó các bộ ngành cần phối hợp rà soát, sửa đổi các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy đảm bảo thống nhất, tránh gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân".

dai-bieu-quoc-hoi-280824
Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình - Ảnh: QH

Với xây dựng nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ không theo quy hoạch, không phép, sai phép, không đảm bảo quy chuẩn phòng cháy chữa cháy, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cháy cho công trình, xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả thương tâm. Nơi xảy ra cháy thường là chung cư xuống cấp, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, nhà trọ, nhà ở ngõ, hẻm, ngách nơi chứa chất dễ cháy…

Đại biểu Ngọc đề nghị phân biệt rõ các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh dễ cháy nổ cần quy định khắt khe về phòng cháy chữa cháy, không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy phải chuyển hình thức sản xuất kinh doanh. Còn với cơ sở sản xuất ít xảy ra cháy, dễ dàng cứu chữa, quy định về quy chuẩn có thể dễ hơn để giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đề cập đến tình trạng cháy nổ diễn biến phức tạp ở các khu đô thị và nơi đông người để nhấn mạnh yêu cầu sớm hoàn thiện Luật phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn để đảm bảo các điều luật khi vào thực tiễn dễ áp dụng, chặt chẽ, đảm bảo tính răn đe với chủ kinh doanh các công trình.

Về phòng cháy với nhà ở kết hợp kinh doanh, đại biểu nhất trí quy định khu vực kinh doanh có nguy cơ cháy nổ phải được ngăn cách với khu vực nhà ở, bởi thực tế ở một số vụ cháy vừa qua giữa khu vực kinh doanh và nhà ở không có sự ngăn cách nên khi xảy ra cháy gây hậu quả lớn.

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) nêu quan điểm, khi lập, điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế xây dựng mới, thay đổi công năng sử dụng hoặc cải tạo công trình phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với công năng, đặc điểm của công trình và bảo đảm các yêu cầu.

Việc trang bị thiết bị truyền tin báo sự cố cũng cần được bố trí, thiết kế từ ban đầu để đảm bảo thông tin báo sự cố (cháy, tai nạn; báo lỗi của hệ thống thiết bị báo cháy) của các cơ sở được thực hiện thông qua thiết bị truyền tin báo sự cố đến hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy chữa cháy của cơ quan Công an kịp thời.

Bình luận