Chờ...

Mùa đông năm 2017 sẽ lạnh giá

(VOH) - Các chuyên gia dự báo, mùa đông năm 2017 có thể sẽ lạnh giá, xuất hiện nhiều đợt rét đậm kéo dài.

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, mùa đông năm nay, hiện tượng ENSO tiếp tục được dự báo sẽ ở pha trung tính nhưng nghiêng về pha lạnh của hiện tượng này trong các tháng cuối năm 2017 và gia tăng khả năng xuất hiện La Nina vào đầu năm 2018 với xác suất xảy ra khoảng 50-60%.

Mùa Đông Xuân 2017-2018 rét có xu hướng xuất hiện muộn hơn so với trung bình, các đợt rét đậm, rét hại có khả năng tập trung trong thời đoạn tháng 01 và tháng 02/2018. Nhiều khả năng sẽ xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ 7-10 ngày…

Theo nhận định của các nhà khoa học quốc tế, mùa đông năm nay quả thực sẽ rất lạnh do hiện tượng thời tiết bất thường trong việc di chuyển của các khối khí. Các nhà khoa học đã phát hiện ra việc nước biển ấm lên 1 độ C khiến các vùng khí lạnh thổi từ hai cực vào lục địa bị đẩy lên cao và vào sâu hơn bên trong lục địa.

Một yếu tố quan trọng khác đó chính là chúng ta đang bước vào một chu kì thời tiết mới, khi hoạt động của Mặt trời sẽ giảm tương tự như điều đã từng xảy ra vào những năm 1950 và khiến cho mùa đông 2017 trở nên lạnh hơn so với những năm trước.

Theo nhận định của các chuyên gia thời tiết, các quốc gia châu Âu tháng 11/2017 có thể sẽ rất lạnh và đến tháng 12/2017 nhiệt độ sẽ liên tục ở mức âm 5 độ C.

Các quốc gia châu Á sẽ phải đối mặt với mùa đông lạnh giá, thậm chí cả các quốc gia trong nhiều thập kỷ qua chưa hề đối mặt với mùa đông với nhiệt độ rất thấp, theo nhận định của chuyên gia Briton James Madden.

Còn khoảng 4 cơn bão

Dự báo từ nửa cuối tháng 10 đến hết năm 2017 sẽ còn khoảng 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, chủ yếu tập trung ở khu vực giữa và Nam Biển Đông. Trong số đó có khoảng 2 cơn bão áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng tới đất liền nước ta và tập trung ở khu vực Trung Bộ, Nam Bộ.

Ngoài ra, trong các tháng cuối năm, do hoạt động của rãnh thấp xích đạo, vùng biển giữa và Nam Biển Đông, vùng biển phía Tây có thể xuất hiện mưa dông mạnh kèm tố, lốc và gió giật.

Trong các đợt không khí lạnh tăng cường sóng lớn có thể lên tới 3-4m tại khu vực biển ngoài khơi và 2-3m tại ven bờ các tỉnh từ Quảng Ninh-Cà Mau.

Trong nửa cuối tháng 10/2017, trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình có khả năng xuất hiện 1-2 đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông chính thượng lưu hệ thống sông Hồng, sông Hoàng Long và thượng lưu sông Thái Bình có khả năng ở mức BĐ1. Hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội và hạ lưu sông Thái Bình ở dưới mức BĐ1. Lũ quét, sạt lở đất tiếp tục có nguy cơ xảy ra nhiều tại các tỉnh vùng núi phía Bắc đặc biệt là khu vực Tây Bắc.

Từ tháng 10 đến tháng 12 là thời kỳ lũ chính vụ của khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên. Đỉnh lũ năm 2017 trên các sông chính ở Nghệ An, Hà Tĩnh khả năng ở mức BĐ2 và trên BĐ2; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức BĐ2-BĐ3, tương đương TBNN; trên một số sông suối nhỏ và thượng lưu các sông có khả năng xuất hiện lũ lớn trên BĐ3.

Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức BĐ1-BĐ2, thấp hơn TBNN. Từ nay đến cuối năm, vùng hạ nguồn các sông Nam Bộ chịu ảnh hưởng của 3 đợt triều cường mạnh, trong những thời kỳ này mực nước tại hạ nguồn lên mức BĐ3 và trên BĐ3, gây ngập úng nghiêm trọng tại TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Cần Thơ.

Bình luận