Chờ...

Mưa liên tục, gió mạnh khiến hàng loạt cây xanh bật gốc ở những nơi bão số 5 đi qua

(VOH) - Mặc dù bão Matmo - bão số 5 đã đi khỏi đất liền Bình Định, Phú Yên, song gió lớn kèm theo dông lốc vẫn tiếp tục càn quét, gây nhiều thiệt hại cho các địa phương.

Tại TP Quy Nhơn (Bình Định) trong đêm 30/10, gió bão đã quật ngã rất nhiều cây xanh, có những cây cổ thụ đường kính rất lớn. Các tuyến đường Lý Thái Tổ nối dài, đường Vũ Bão, Nguyễn Thị Định, Trần Hưng Đạo… hàng loạt cây xanh bị gió bão bẻ gãy hoặc xô bật gốc trên nền gạch…

Toàn bộ thành phố bị cắt điện hoàn toàn sau khi bão số 5 đổ bộ.

Bão Matmo

Cây xanh cổ thụ bị gió bão quật đổ bật gốc ở đường phố Quy Nhơn. Ảnh: SGGP

Lúc 19h30 tối 30/10, gió lốc kèm theo mưa dông bắt đầu rít liên hồi. Gió lớn cũng khiến nhiều xe trên đường di chuyển rất khó khăn và nguy hiểm. Nhiều xe máy không thể di chuyển được phải chạy vào các nhà hàng gần đó để trú ẩn.

Biển Quy Nhơn ảnh hưởng bão số 5 cũng khiến sóng biển dâng cao quăng quật nhiều biển báo ven bờ biển. Theo ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, lúc 22h30, có 4 tàu vận tải ở vịnh Quy Nhơn bị trôi neo, mắc cạn, trong đó có một tàu quốc tịch Panama.

Qua xác minh, tàu Long Châu (Việt Nam) với 5 thuyền viên bị trôi neo, đã va chạm vào bến phao dầu An Phú. Tàu Hòa Bình 45 với 16 thuyền viên và tàu Trường Thành 26 với 8 thuyền viên đang trôi neo trước thủy diện cầu cảng Quy Nhơn, có nguy cơ đâm va mắc cạn. Tàu quốc tịch Panama với 19 thuyền viên bị trôi neo mắc cạn vào mũi Hải Minh.

Còn tại Phú Yên vào tối 30/10 mưa nặng hạt, theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương thì cho đến 21h, vẫn chưa có thông tin thiệt hại về người và tài sản do bão số 5 gây ra. Ông cho hay đã giao các địa phương khẩn trương ứng phó bão, giúp dân khắc phục ngay hậu quả do cơn bão gây ra, đồng triển khai nhanh phương án “4 tại chỗ”, “4 sẵn sàng” để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước trước nguy cơ mưa lũ được dự báo có diễn biến phức tạp sau bão.

Bão Matmo

Cây đổ trên quốc lộ 1 đoạn qua xã Xuân Cảnh, Sông Cầu, Phú Yên. Ảnh: TTO

Tỉnh Phú Yên đã tiến hành di dời, sơ tán gần 2.000 hộ dân (7.000 người dân) để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của bão số 5. Nhiều địa phương ở TP Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, huyện Đồng Xuân, Tây Hòa… đã bị mất điện.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, đến tối 30/10, mưa lớn, biển động dữ dội với những cột sóng cao đến 5m. Tại bờ kè và cửa biển Sa Huỳnh, nhiều người dân đang tích cực chằng chống nhà cửa, thu dọn ngư cụ từ ngoài biển vào. Nhiều chiếc tàu vào muộn "lâm nguy" khi sóng xô nghiêng ngả dù cách cảng chừng 500m.

Tính đến 17h cùng ngày, tỉnh Quảng Ngãi còn 418 tàu với 5.050 lao động còn đang hoạt động trên các vùng biển. Trong đó, tại quần đảo Hoàng Sa có 11 tàu cá với 820 lao động, quần đảo Trường Sa 118 tàu cá với 2.626 lao động. Hiện bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đang theo dõi bão và giữ liên lạc, thông báo để ngư dân trên biển nắm tình hình.

Bão Matmo

Sóng biển dữ dội, táp mạnh vào kè biển xã Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi. Ảnh: TTO

Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết đã chỉ đạo dừng khai thác 3 sân bay tại khu vực Nam Trung Bộ để tránh bão. Sân bay Phù Cát (Bình Định) và Tuy Hòa (Phú Yên) đóng cửa từ 12h ngày hôm qua 30/10, sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) đóng cửa từ 15h. Nếu bão tan nhanh, dự kiến đến 1h ngày hôm nay 31/10 các sân bay sẽ mở cửa trở lại. Ước tính có hơn 30 chuyến bay bị hủy tại 3 sân bay này. Ngoài ra, 3 sân bay ở khu vực Tây Nguyên là Pleiku, Buôn Ma Thuột và Liên Khương cũng tạm đóng cửa từ 18h ngày hôm qua đến 7h sáng nay (31/10).

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng sớm 31/10, bão số 5 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Hồi 4 giờ ngày 31/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên đất liền tỉnh Gia Lai. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 50km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 12 giờ tới (1-13 giờ ngày 31/10), áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Đến 13 giờ ngày 31/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên lãnh thổ Cam-pu-chia. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Đêm 30/10 bão số 5 đổ bộ vào đất liền: Sơ tán hàng ngàn hộ dân trong vùng nguy hiểm: Dự kiến chiều tối nay (30/10), tâm bão có thể nằm ngay trên vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi - Ninh Thuận.
Bình luận