Chờ...

Mương thoát nước bị “bức tử”, dân kêu trời vì ngập úng

(VOH) - Ngày 11/7, đường dây nóng của Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - VOH nhận được phản ánh của ông Nguyễn Hoàng Hải, đại diện cho một số hộ dân ở Tổ dân phố 1, Khu phố 2, phường Phú Hữu, quận 9 khiếu nại về việc một đoạn con mương thoát nước ở Tổ dân phố bị một hộ dân chiếm dụng gây nên cảnh ngập úng cho nhiều hộ dân khác mỗi khi mưa lớn.

"Nguyên khu vực, các nhà xung quanh khoảng 7-8 hộ đều dùng mương nước đó, trong bản đồ của phường Phú Hữu có con mương hiện hữu, nhưng khi nhà đó làm chủ quyền, không hiểu sao chính quyền cấp luôn con mương cho họ. Họ thả cống rồi lấp đất lên, rồi người sau vào mua, xây dựng nhà lên trên, từ đó đến giờ cả chục năm rồi, nay bị ứ nước trầm trọng, mưa xuống là ngập nhưng không nạo vét được. Khi bức tường xây, tôi đã kiến nghị, phường xuống lập biên bản đình chỉ nhưng cuối cùng bức tường vẫn hoàn thành như thường, giờ dân kiến nghị thì quận đổ xuống phường, phường đổ lên quận, cứ thể đùn đẩy nay suốt mấy năm trời", ông Nguyễn Hoàng Hải phản ánh.

Một đoạn mương thoát nước đã bị bức tường màu xanh xây đè lên.

Ngang nhiên lấp mương ?!

Ngay sau khi nhận được phản ánh VOH đã trực tiếp xuống hiện trường ghi nhận tình trạng trên.                     

Đặc thù của khu vực vùng ven như ở phường Phú Hữu, quận 9 thì việc tiêu thoát nước là nhờ vào các con mương nằm len lỏi trong khu dân cư dẫn ra kênh. Tuy nhiên con mương dài gần 500m ở tổ dân phố 1, khu phố 2 hiện nay chỉ còn nằm trên bản đồ, vì trên thực tế, con mương đã gần như biến mất do sự chiếm dụng của một hộ dân, gây nên cảnh ngập úng cho hàng chục hộ ở khu vực mỗi khi mưa lớn.

Theo đơn kiến nghị tập thể của các hộ dân gửi UBND quận 9 vào ngày 9/12/2013, thì từ thập niên 90, theo chương trình “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, khu vực tổ dân phố 1, khu phố 2, phường Phú Hữu, quận 9 có xây dựng một con mương để tiêu thoát nước cho các hộ gia đình trong khu vực, được xây dựng trên phần đất chung của các hộ dân, mỗi hộ bỏ ra một nửa bề ngang con mương và con mương cũng đã hiện hữu trên bản đồ năm 2003 của UBND quận 9.

Năm 2005, bà Nguyễn Thị Dẫu ở số nhà 863A, ấp Tân Điền A, phường Phú Hữu tự khai nhận con mương là của gia đình và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó, bà Dẫu bán đất cho một người khác và người này đã cho xây cất nhà ngay trên phía trên con mương, phía dưới có đặt cống. Sau đó, hộ dân này tiếp tục chuyển nhượng cho một hộ khác. Đến nay, việc chuyển nhượng tại địa chỉ này đã sang đời chủ thứ tư.

Việc lắp cống và xây cất bên trên như vậy dần dần đã làm mất chức năng tiêu thoát nước của con mương này vì lâu ngày đất cát và rác tồn đọng bên trong nhưng không thể tiến hành nạo vét. Hậu quả là các hộ lân cận “lãnh đủ” khi trời mưa lớn. "Hồi xưa con mương chừa ra cả mét, chừng sau này nhà đó bán đất là họ nhảy qua xây sát bức tường nhà tôi luôn. Bây giờ mỗi lần trời mưa là nước tràn vào nhà, bà cháu tôi tát nước mệt gần chết", bà Nguyễn Thị Thọ, nhà liền kề số nhà 863A cho biết.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hát nằm ngay phía sau của căn nhà 863A cũng phải chịu cảnh cống  nghẹt, ngập nước mấy năm qua, bà bức xúc nói: "Họ xây nhà làm bít con mương, dẫn đến nhà tôi bị nghẹt cống, đi cầu dội không xuống, tình trạng này mấy năm rồi. Tụi tui thưa chính quyền cũng làm thinh, rồi để riết như vậy, trời mưa xuống là nhà tôi ngập tràn trề, không thể nào chịu nổi".

Ông Nguyễn Hoàng Hải và bà Hát chỉ chỗ phía sau ngôi nhà 863A, con mương bị thu hẹp lại một cách đáng thương.

Trưởng ban điều hành khu phố 2, ông Nguyễn Công Minh có cùng bức xúc với các hộ dân nơi đây: "Con mương này có trước giải phóng sau này khi thành lập tổ 1 thì đường thoát nước này vẫn còn. Chỗ này sau khi bán đất qua nhiều chủ rồi lấp luôn con mương. Việc đó phường cũng đã xác nhận là sai, nhưng không hiểu sao tới nay cũng không thấy đả động gì tới, phường đổ thừa lên quận, quận đổ xuống phường, đề nghị trả lại hiện trạng ban đầu đường mương thoát nước này cho dân".

Bà Nguyễn Thị Hát bức xúc cho rằng con mương bị lấp là nguyên nhân khiến cống nhà bà bị nghẹt trầm trọng.

Nhiều năm kiến nghị nhưng chưa được giải quyết

Sau khi ghi nhận thực tế, phóng viên VOH đã làm việc với Ủy ban nhân phường Phú Hữu. Tại buổi làm việc với phóng viên vào chiều 11/7, ông Huỳnh Công Trung – cán bộ địa chính xây dựng phường cho rằng do lúc trước có chủ trương cấp chủ quyền đất đại trà nên có thể có sai sót, cấp luôn diện tích con mương cho chủ nhà số 863A. Nhiều trường hợp cấp sai, cấp nhầm cũng đã xảy ra từ việc cấp chủ quyền đại trà này.

Còn trong buổi sáng ngày 13/7, khi phóng viên làm việc với lãnh đạo UBND phường Phú Hữu, thì ông Trần Phước Hùng – Bí thư, chủ tịch UBND phường cho rằng, để xác định việc cấp chủ quyền đoạn mương cho chủ đất số 863A là đúng hay sai thì phải liên hệ với Phòng Tài nguyên Môi trường Quận 9 để xác định. Trước mắt, để giải quyết tình trạng ngập cho các hộ dân, ông Trần Phước Hùng – Bí thư, Chủ tịch phường Phú Hữu khẳng định: "UBND phường sẽ vận động hộ dân trên tuyến mương thoát nước này, nếu có nghẹt chỗ nào thì tạo điều kiện để nạo vét, đảm bảo nước thoát không để ngập úng, riêng kiến nghị hỏi về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ dân này thì Phòng Tài nguyên Môi trường Quận 9 có thẩm quyền trả lời, nếu sai thì Phòng Tài nguyên Môi trường sẽ điều chỉnh, lúc đó sẽ phối hợp với phường vận động hộ dân đó để trả lại mương nước cho bà con".

 Khi phóng viên liên hệ với ông Nguyễn Xuân Dũng – chủ đất hiện tại của số nhà 863A thì ông cho biết: "Khi tôi mua đất lại của bà Hoa thì bà ấy đã làm hết rồi, tôi cũng không để ý, bây giờ, nếu các hộ dân thấy nghẹt thì cứ liên hệ với tôi để mở nắp cống khai thông dòng chảy, tôi cũng đã thống nhất với phường là cứ việc tổ chức khai thông chứ không có gì khó khăn gì cả".

Như vậy, giải quyết việc tiêu thoát nước cho các hộ dân nơi đây có thể tiến hành làm ngay, nhưng qua sự việc này, chúng tôi đang băn khoăn nhiều câu hỏi. Thứ nhất, vì sao nhà số 863A là một công trình khá đồ sộ được xây dựng ngay trên phần mương chung nằm cách UBND phường không xa, nhưng việc xây dựng lại diễn ra trót lọt? Thứ hai là đã từ lâu các hộ dân đã có kiến nghị phản đối việc xây cất trên con mương này, nghĩa là phần đất này đang nằm trong diện bị tranh chấp, nhưng vẫn tiếp tục được mua bán sang nhượng qua nhiều chủ khác, đến nay đã đến tay người chủ thứ 4? Và việc người dân kiến nghị đòi trả lại con mương để khơi thông dòng thoát của hệ thống cống cũng đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng vì sao vẫn không được giải quyết?

Chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ với Phòng Tài nguyên Môi trường Quận 9 để làm rõ sự việc và sẽ thông tin đến người dân.

Bình luận