Chờ...

Năm 2020: Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận thông xe

(VOH) - Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sau 5 tháng đình trệ thi công, hiện đang tăng tốc thi công trở lại và sẽ hoàn thành trong năm 2020.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư phê duyệt năm 2014 là 14.678 tỷ đồng và năm 2017 được điểu chỉnh là 9.668 tỷ đồng, nhưng hiện mới đạt khoảng 15% tổng khối lượng thi công. Từ tháng 5 tới các nhà thầu sẽ tăng tốc thi công để hoàn thành và thông tuyến trong năm 2020 theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ.

Ông Mai Mạnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) cùng các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ để dự án về đích đúng tiến độ cam kết.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thực hiện theo hình thức BOT, với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương) và điểm cuối giao với QL30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang), toàn tuyến dài 51,1 km.

Mới đây, khi đi thị sát công trường xây dựng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang), ông Mai Mạnh Hồng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, hiện các nhà thầu đã đưa thiết bị máy móc và nhân công thi công trở lại, từ tháng 5 sẽ tăng tốc thi công, phấn đấu đến cuối năm 2019 hoàn thành 50-60% khối lượng và đến cuối năm 2020 hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến cao tốc này.

Từ tháng 5/2019 các nhà thầu sẽ tăng tốc thi công để hoàn thành và cam kết thông tuyến trong năm 2020

Ông Mai Mạnh Hồng cho biết thêm, nhằn kiểm soát việc các nhà thầu thực hiện dự án thi công theo tiến độ và kế hoạch, Công ty sử dụng Flycam với bán kính 5 cây số để tiếp cận mục tiêu kiểm tra nếu máy móc thiết bị nào không hoạt động hoặc thiếu thì sẽ chỉnh đốn và làm việc ngay với nhà thầu. Đồng thời cũng kiểm soát được các chỗ xung yếu xem việc thi công có đảm bảo chất lượng hay không, tiến độ thi công và tổ chức thi công như thế nào, có đảm bảo an toàn giao thông hay không, nhất là những khu vực gần khu dân cư, việc đảm bảo an toàn giao thông và an toàn lao động rất là quan trọng và luôn phải theo dõi và giám sát bằng camera. Công ty thường xuyên kiểm tra đột xuất để đảm bảo tiến độ và chất lượng thi công công trình.

Gói thầu đang thực hiện khởi động thi công trở lại để hết năm 2019 sẽ đảm bảo 60% tiến độ

Để đảm bảo nguồn vật liệu tất cả các gói thầu có thể thi công đồng loạt, khẩn trương từ tháng 5, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã phối hợp với tỉnh Tiền Giang khảo sát các tuyến đường bộ, đường thủy có thể mượn tạm để vận chuyển thuận lợi vật liệu vào các công trình.

Hiện nay đã có 96% mặt bằng đã đã được giải phóng và bàn giao cho chủ đầu tư, còn khoảng 4% chưa làm xong công việc giải phóng mặt bằng. Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đang đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang khẩn trương giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư, hỗ trợ chủ đầu tư tạm ứng trước ngân sách địa phương để cố gắng trong tháng 5 và tháng 6 sẽ  xong việc giải phóng mặt bằng.

Song song đó, để hỗ trợ kịp thời các nhà thầu do đang thi công cầm chừng hoặc ngừng hẳn thi công do thiếu vốn, chủ đầu tư phối hợp với đơn vị chủ quản của mình là Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả hỗ trợ tài chính các nhà thầu thông qua bảo lãnh bằng tín chấp và hạn mức ngắn hạn đã có để cung cấp vật liệu và vật tư cơ bản giải quyết khó khăn trước mắt.

Các công nhân gia cố sắt tại công trường đang ráo riết thi công trở lại sau thời gian dài dừng dự án

Thời gian qua, Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chậm tiến độ là do gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong việc huy động vốn, do thay đổi cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản công, chính sách về đầu tư, cũng như năng lực của nhà đầu tư dự án.

Để thúc đẩy cho Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Thủ tướng mới đây đã đưa ra các chỉ đạo cụ thể nhất "quét" đến từng vướng mắc. Đáng chú ý, Chính phủ sẵn sàng chi ngân sách nhà nước cho dự án này. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ, đảm bảo phương án tài chính của dự án.

Thủ tướng cũng đã chỉ đạo"Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành có liên quan, UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận phải tích cực, chủ động hơn nữa trong tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ để dự án được thông tuyến vào cuối năm 2020".

Gói thầu LX 08 ở km 56+67, khu vực cầu Kênh Xáng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang

Thủ tướng Chính phủ chấp thuận hỗ trợ trước cho dự án 500 tỷ đồng/2.158 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, làm việc với UBND tỉnh xác định nguồn mỏ vật liệu đá, cát và sớm có kế hoạch tập kết vật liệu về công trường trước mùa mưa năm 2019; đồng ý chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang...

Các doanh nghiệp cũng làm việc với HĐNTNN, Cục quản lý chất lượng xây dựng công trình giao thông – Bộ GTVT để thống nhất các giải pháp kỹ thuật và tổ chức thi công đảm bảo thúc đẩy tiến độ.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam

Tuyến đường cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và đất nước nói chung. Việc sớm hoàn thành tuyến cao tốc vào năm 2020 không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của khu vực và cả nước mà còn khẳng định sự quan tâm đầu tư cho phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong chính sách phát triển của Trung ương Đảng, Chính phủ.

Bình luận