Chờ...

Nên giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân

VOH - Theo đại biểu quốc hội, Chính phủ nên nới lỏng chính sách tài khóa bằng biện pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Nêu ý kiến về việc hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong buổi thảo luận tại hội trường sáng 29/5, đại biểu Trần Thị Quỳnh (đoàn Nam Định) bày tỏ nhất trí với Báo cáo về kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 Chính phủ trình Quốc hội cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

dai-bieu-quoc-hoi-sang-290524
Các đại biểu tại phiên họp sáng 29/5 - Ảnh: Quốc hội

Khép lại năm 2023, kinh tế tiếp tục ghi dấu ấn khi tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,05%, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, lạm phát được kiểm soát, chỉ số PMI tháng 4/2024 tăng trở lại trên ngưỡng 50 điểm, qua đó cho thấy sức khỏe ngành sản xuất được cải thiện nhẹ và là lần cải thiện thứ 3 trong 4 tháng qua…

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, trong nhiều năm của đại dịch Covid-19 và bối cảnh lạm phát, thu nhập thực của doanh nghiệp và người dân bị sụt giảm.

Thời gian qua, dù nền kinh tế gặp khó khăn nhưng những tháng đầu năm lại thặng dư ngân sách, đây là dấu hiệu không tốt của chính sách tài khóa, chính sách tài khóa chưa thực sự nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.

Do đó, đại biểu Quỳnh đề nghị Chính phủ nên nới lỏng chính sách tài khóa bằng biện pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Nêu ý kiến về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, Đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) cho rằng, hoạt động của doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhân vào nền kinh tế còn hạn chế.

Cụ thể, theo Báo cáo của Chính phủ, vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước năm 2023 chỉ bằng 1/5 mức tăng giai đoạn 2015 - 2019; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và số doanh nghiệp giải thể đều tăng cao so với năm 2022; lần đầu tiên trong 5 năm qua số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường. 

Theo đại biểu, đây là những yếu tố tác động hết sức tiêu cực đến nền kinh tế. Do đó, đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá đầy đủ hơn vấn đề “sức khỏe” của doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân và có giải pháp hiệu quả hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới. 

Phản ánh về tình trạng tín dụng tăng trưởng thấp, dù lãi suất vốn vay của các ngân hàng thương mại đã giảm nhưng doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn không hấp thụ được vốn tín dụng, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ và có các giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cũng cho rằng, số liệu số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng là thực tế đáng suy ngẫm.

Theo đại biểu Thông, tình hình thế giới có những bất ổn ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn, sức chống chịu bị bào mòn đến mức cạn kiệt sau đại dịch, các chính sách, quy định còn thiếu đồng bộ chưa nhất quán, thủ tục hành chính rườm rà.

Từ đó, đại biểu kiến nghị có giải hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tình trạng thiếu lao động, có các chính sách nhằm hỗ trợ, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, chủ động kịp thời thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc về đất đai…

Bình luận