Chờ...

Ngày 16/11: Chủ tịch nước lên đường thăm Thái Lan và dự Hội nghị APEC 2022

(VOH) - Ngày 16/11, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường thăm chính thức Thái Lan và dự Hội nghị APEC 2022.

Từ ngày hôm nay 16/11 đến 19/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Thái Lan theo lời mời của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và tham dự Hội nghị các Lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 diễn ra tại Bangkok.

Chuyến đi này là dịp Việt Nam tiếp tục tăng cường, phát triển quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan, đồng thời khẳng định các nỗ lực đóng góp vào chương trình nghị sự quan trọng của APEC và cộng đồng quốc tế.

Nhiều hoạt động tăng cường, phát triển quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thái Lan, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân sẽ có cuộc hội kiến với Nhà vua Thái Lan và Hoàng hậu; dự lễ ký kết một số văn kiện hợp tác, trong đó có bản Kế hoạch hành động triển khai đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2022-2027; gặp Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai và các vị lãnh đạo Thượng viện, Hạ viện Thái Lan; dự cuộc gặp với các doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam và Thái Lan; dự lễ khai trương Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan và các hoạt động khác.

Đây là chuyến thăm chính thức của người đứng đầu nhà nước Việt Nam đến Vương quốc Thái Lan sau 24 năm kể từ chuyến thăm của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương năm 1998 và gần 10 năm sau chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2013.

Chủ tịch nước
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Thái Lan trước thềm Hội nghị các Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 29.

Chuyến thăm là dấu mốc mới trong quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng hữu nghị chung dòng sông Mekong, cùng là thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi về tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư, kết nối kinh tế cũng như mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới như kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh.

Quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường giữa Việt Nam và Thái Lan không ngừng phát triển tích cực, bất chấp dịch Covid-19. Theo Bộ Công thương, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, đứng thứ 9/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Năm 2021, kim ngạch thương mại hai nước đạt 18,8 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch thương mại 9 tháng đầu năm 2022 đạt 16,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021.

6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đón gần 40.000 lượt du khách Thái Lan và khoảng 130.000 khách Việt Nam đến Thái Lan. 18 tỉnh, thành phố của Việt Nam có thỏa thuận hợp tác với các địa phương Thái Lan.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC

Tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2022 tại Bangkok, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ có nhiều hoạt động cả đa phương và song phương.

Trong đó, Chủ tịch nước sẽ cùng các nhà Lãnh đạo và Trưởng đoàn từ 21 nền kinh tế thành viên có 2 phiên thảo luận sâu về tình hình, giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm. Đây là dịp để Việt Nam chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm của Việt Nam, đề xuất hướng đi để hợp tác APEC đóng góp hiệu quả hơn vào giải quyết các thách thức chung của khu vực, vì lợi ích chung của tất cả thành viên. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc  cũng sẽ tham dự phiên đối thoại cùng các khách mời của hội nghị để thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại và phối hợp hành động giữa APEC với các khu vực bên ngoài. 

Đặc biệt, Chủ tịch nước được mời làm diễn giả chính, có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2022 và sẽ cùng các nhà lãnh đạo APEC đối thoại với đại diện cộng đồng doanh nghiệp APEC. Đây là thông lệ đặc sắc của APEC nhằm khuyến khích sự tham gia đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng chính sách và hợp tác khu vực.

Trong chuyến đi lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam sẽ tiếp tục thể hiện sự tham gia, đóng góp tích cực đối với khu vực và quốc tế. Đây cũng là dịp để Việt Nam nâng tầm đối ngoại đa phương, quảng bá vị thế, hình ảnh đất nước ổn định, tăng trưởng kinh tế tích cực sau đại dịch và thu hút nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước.

Trong năm 2022, Việt Nam cũng đã tích cực ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với chủ nhà Thái Lan cũng như các thành viên chủ chốt của APEC trong việc duy trì nguyên tắc thương mại - đầu tư tự do và mở của APEC.

APEC được thành lập năm 1989, là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu, thúc đẩy tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam trở thành thành viên APEC vào năm 1998, từng hai lần đảm nhiệm vai trò chủ nhà APEC vào năm 2006 và 2017.

Năm nay, Thái Lan đề xuất chủ đề của Năm APEC 2022 là "Rộng mở. Kết nối. Cân bằng.". Nội dung hợp tác APEC tập trung vào ba ưu tiên gồm thương mại và đầu tư mở với tất cả cơ hội, khôi phục kết nối trên mọi phương diện và thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững, bao trùm trên mọi khía cạnh.

Bình luận