Theo một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trong kỳ điều hành ngày mai (21/8) xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước có thể giảm từ 600 - 1.100 đồng/lít, dầu diesel giảm từ 400 - 700 đồng/lít/kg. Nếu Liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính trích quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm thấp hơn.

Hiện tại, giá bán lẻ xăng dầu trong nước được áp dụng theo phiên điều hành ngày 11/8 của Liên Bộ Tài chính – Công Thương.
Giá các mặt hàng dầu tăng mạnh, gần 2.000 đồng/lít/kg. Đối với giá dầu diesel tăng 1.813 đồng/lít lên 22.425 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.619 đồng/lít lên 21.889 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 1.137 đồng/kg lên 17.668 đồng/kg.
Trong kỳ điều hành này, Liên Bộ không trích lập Quỹ Bình ổn giá (trừ dầu mazut). Dầu mazut được Liên bộ chi Quỹ Bình ổn giá ở mức 150 đồng/kg (kỳ trước không chi).
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 23 lần điều chỉnh, trong đó có 13 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
Giá dầu thế giới bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế Trung Quốc và lo ngại về việc Mỹ tăng lãi suất, làm lu mờ các dấu hiệu thắt chặt nguồn cung toàn cầu.
Theo Reuters, số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên của Mỹ, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, đã giảm tuần thứ 6 liên tiếp. Điều này có thể làm tình trạng khan hiếm nguồn cung dự kiến trong những tháng còn lại của năm trở nên nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, việc OPEC+ cắt giảm sản lượng đã đẩy giá dầu tăng trong 7 tuần liên tiếp kể từ tháng 6 với giá dầu Brent đã tăng khoảng 18% và WTI tăng 20%.
Giá dầu thô Brent tuần trước tăng cao kỷ lục chạm ngưỡng 87 USD/thùng, nay cũng giảm về mức 83 USD/thùng; giá dầu thô WTI đạt mức kỷ lục 83 USD/thùng nhưng cũng đã giảm về 79 USD/thùng.
Theo thời điểm 6h30 phút (giờ Việt Nam) hôm nay (20/8), giá dầu WTI giảm từ 80,183 USD/thùng xuống 79,89 USD/thùng, tương đương 0,62%, giá dầu Brent giảm từ 83,859 USD/thùng xuống 83,48 USD/thùng, tương đương 0,76% so với phiên giao dịch trước đó.