Chờ...

Nghệ An đến nay có tổng cộng 153 ổ dịch tả heo Châu Phi

NGHỆ AN - Tình hình dịch tả heo có chiều hướng tăng, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành chỉ thị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tại tỉnh Nghệ An đã xảy ra 153 ổ dịch tả heo châu Phi ở 20 huyện, thành, thị. 3.554 con heo bị buộc tiêu hủy.

Các địa phương có ổ dịch lớn như huyện Thanh Chương với 27 ổ dịch, huyện Đô Lương với 18 ổ dịch, huyện Yên Thành, Anh Sơn với 14 ổ dịch. Hiện nay vẫn còn 15 ổ dịch chưa qua 21 ngày.

Theo UBND tỉnh Nghệ An, có nhiều ổ dịch lây lan do một số nguyên nhân.

Một số địa phương chủ quan, lơ là và thiếu quyết liệt trong việc chỉ đạo, triển khai phòng chống dịch bệnh.

Công tác tiêu hủy heo chết vì dịch chưa triệt để, kịp thời dẫn đến dịch bệnh dây dưa, kéo dài.

Không bố trí đủ nguồn kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch.

Không lập các chốt kiểm soát vận chuyển động vật ra, vào địa bàn.

Tỷ lệ tiêm phòng các loại vaccine cho đàn vật nuôi đạt thấp, không đáp ứng yêu cầu phòng bệnh. Việc tái đàn, tăng đàn và vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật chưa được kiểm soát chặt chẽ, triệt để theo quy định.

2aede929-cf0c-4ba4-b351-4b85b7924f56-8237
Đưa heo dịch bệnh đi tiêu hủy - Nguồn: TPO

Để tăng cường công tác phòng, chống, kiểm soát bệnh dịch tả heo châu Phi, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có Chỉ thị yêu cầu Chủ tịch các huyện, thành, thị, lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dịch.

Các địa phương huy động các nguồn lực để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới.

Tổ chức xử lý tiêu hủy heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh đúng theo quy định.

Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển heo bệnh, vứt xác heo chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho biết thêm đã tham mưu cho Sở NN&PTNT Nghệ An thành lập 3 đoàn công tác phối hợp với lãnh đạo và bộ phận chuyên môn của các địa phương trực tiếp xuống các điểm dịch để kiểm tra. Bên cạnh đó, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp chăn nuôi an toàn, đặc biệt các biện pháp đặc thù để phòng, chống dịch.

Chi cục cũng đã báo sơ bộ trình Sở NN&PTNT Nghệ An về hỗ trợ kinh phí cho những hộ chăn nuôi heo bị ảnh hưởng bởi dịch ở mức 38.000 đồng/1kg.

Bình luận