Chờ...

Nhà báo Hồng Thúy – đôi chân không mỏi

(VOH) - Dù đã là đồng nghiệp của nhau hơn 10 năm trời, nhưng mỗi khi có dịp ngẫm lại hành trình mà nhà báo Hồng Thúy đã trải qua, bản thân tôi vẫn luôn ngạc nhiên về nhiệt huyết trên đôi chân của chị.

Nghe bài viết:

Mỗi năm gần 200 chuyến đi thực tế

Đã gần 5 năm nay, cứ vào mỗi thứ 5 hàng tuần lúc 7 giờ 30 sáng nhiều thính giả của chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt lại đón chờ để lắng nghe những câu chuyện và rồi sau đó họ lặng lẽ, đóng góp, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh những vùng đất còn nhiều khốn khó bằng tình thương của những con người với nhau. Đến nay hơn 40.000 lượt người đã ủng hộ gần 35 tỷ đồng với nhiều hoạt động ý nghĩa như mổ tim, mổ mắt, tặng thẻ bảo hiểm y tế, xây cầu nông thôn, nhà tình thương, nhà chống lũ....

Chúng tôi chẳng mấy khi có dịp mở lời với nhau phần vì công việc, phần vì có lẽ gần gũi nhiều nên lời nói cũng kiệm đi. Nhưng rồi Hồng Thúy chợt cười vui khi tôi nhắc đến hành trình mà 5 năm nay chị gánh vác chương trình Sát cánh cùng Gia đình Việt rằng “Bà mụ nặn ra mình có một cái nốt ruồi dưới chân, nên từ nhỏ ba mẹ đã nói, lớn lên con sẽ đi nhiều lắm, mà thật, mỗi năm chừng 200 chuyến đi chứ mấy, cơm hàng cháo chợ riết cũng quen rồi, chỉ mong sao gia đình luôn ủng hộ và mình có thật nhiều sức khỏe để đi thôi. Quan trọng là trên hành trình này, những yêu thương đã được lan tỏa và chia sẻ”.

Nhà báo Hồng Thúy trong chương trình mổ mắt miễn phí cho người nghèo tại Kiên Giang

Lặng lẽ truyền thông điệp yêu thương, chia sẻ

Có lẽ với chị, ngoài cái duyên với nghề thì lớn hơn cả chính là sự sẻ chia tình người của hàng vạn tấm lòng và còn là sự nhẫn nại, học hỏi tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ những điều giản dị nhất

“Nhiều người nghĩ rằng học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là những điều gì đó hết sức to tát nhưng kỳ thực với bản thân Hồng Thúy, đã học được ở Bác những điều giản dị nhất. Mình luôn nhớ tới lời của Bác căn dặn các nhà báo, khi viết thì luôn xác định là viết cho ai, viết như thế nào để mọi tầng lớp đều có thể nghe và cảm nhận được. Những chuyến đi đến vùng sâu vùng xa thì mình xác định rằng luôn gần gũi với nhân dân như vậy thì họ sẽ chia sẻ được hết với mình”, Hồng Thúy chia sẻ. 

Khi bắt tay với dự án đầu tiên của chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt, Hồng Thúy trăn trở lắm, làm sao để người ta có thể cảm nhận được hơi thở của cuộc sống qua sóng phát thanh để hình dung ra khoảnh khắc ngặt nghèo của một con người, đã đứng bên lằn ranh của sự chọn lựa sống hay là chết. Khó lắm nhưng chị nghĩ đến những gì Bác Hồ từng dạy: Phải học cách nói, tiếng nói của quần chúng, để một viện sĩ hàn lâm cho đến nông dân đều có thể hiểu được những gì mà mình chuyển tải. Nghe thì đơn giản nhưng ai có biết những giọt nước mắt âm thầm rơi trong đêm khi người ta nghe nhưng không cảm được chương trình.

Thời gian đầu, người ủng hộ rất ít, có lúc Hồng Thúy từng nghĩ rằng, hay mình buông tay vì không đủ sức để làm. Nhưng rồi, ánh mắt đau đáu của nhân vật, cái nắm tay khẩn cầu đã níu giữ chị ở lại. Phần khác, Hồng Thúy nghĩ về gia đình, bản thân chị từng trải qua những tháng ngày đớn đau trong bệnh viện giành giật với tử thần từng giây phút cho sự sống của con trai. Sau lưng chị, người chồng là quân nhân đã tình nguyện cần mẫn thay chị gánh vác tất cả công việc nhà để chị yên tâm làm tròn sứ mệnh mà nhiều người gửi gắm. Chị ngộ ra một chân lý, hãy tiếp tục gieo những hạt mầm yêu thương thì sẽ được mọi người đón nhận.

Chính sự giản dị trong cách sống đã giúp Hồng Thúy cảm nhận một cách chân thực nhất những khoảnh khắc làm lay động lòng người. Lần đi tặng quà tết Mùa xuân yêu thương ở Sóc Trăng, một cụ ông đã rụt rè rút lại đôi bàn tay chai sần, đen đúa của mình khi Hồng Thúy đưa tay ra nắm, nhưng Hồng Thúy đã giữ chặt đôi tay ấy lại với mình.

Hay khi từ một mẩu tin của đồng nghiệp, chị lặn lội vào tận bản làng xa xôi tìm cho ra những em nhỏ ở đậu trong những nếp nhà vách lá cột xiêu, ban đêm đội đèn pin lên đầu mò tìm con chữ, thử nếm nồi cơm thiu với chén muối ớt, rồi rơi nước mắt vì cuộc sống khốn khó của các em. Không biết bơi, nhưng Thúy sẵn sàng bò qua những cây cầu khỉ lắc lư, xiêu vẹo chỉ để biết rằng bà con đã khổ sở ra sao trong suốt ngần ấy năm trời. Bởi vậy, mà trong số những người ủng hộ chương trình suốt mấy năm qua, đâu chỉ có những gia đình khá giả mà còn hàng ngàn, hàng vạn người mưu sinh với nghề bán vé số, kết cườm, chạy xe ôm.... họ chắt chiu từng đồng để giúp những đồng bào có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Nói về sức dẻo dai của người bạn học đồng thời cũng là đồng nghiệp của mình, nhà báo Hoàng Thái Đăng, báo Sài Gòn Giải Phóng chia sẻ: “Thúy đến với công việc của mình bằng cả trái tim, có lẽ vì vậy mà Thúy chuyển tải những câu chuyện hết sức sinh động đến với bạn nghe Đài. Thúy nhận được sự yêu thương của nhiều người nhưng chưa bao giờ Thúy nhận mình là người nổi tiếng mà luôn sống giản dị dành thời gian cho những mảnh đời khó khăn hơn trong suốt mọi miền đất nước".

Trao tặng thẻ BHYT cho người nghèo Bình Định

...Tiếp tục gieo những hạt mầm của sự yêu thương

Trong suốt quá trình làm nghề của mình, Hồng Thúy quan niệm rằng, khi tiếng nói xuất phát từ trái tim sẽ đến được với trái tim và làm nên điều kỳ diệu. Nhiều năm đồng hành cùng chương trình với tư cách là nhà tài trợ, Chị Lê Thị Bích Trâm, Giám đốc công ty TNHH cao su Đông Nam Á, nhớ lại những chuyến đi mà chị từng có dịp đồng hành cùng nhà báo Hồng Thúy: “Thật sự rất khâm phục người phụ nữ này, thời gian mà bạn bỏ ra rất nhiều cho công việc, chính mình còn ái ngại khoản thời gian bạn dành cho gia đình. Trâm công nhận một điều rằng, nụ cười của Hồng Thúy rất là thu hút nhưng nó xuất phát từ cái tâm trong sáng”.

Vậy đó, vất vả là vậy nhưng điều khiến chị Bích Trâm nhớ mãi là nụ cười lạc quan của Hồng Thúy, nó truyền lửa cho chính những người mà chị gặp gỡ và tiếp xúc. Có một ai đó đã nói, nếu mình bỏ thời gian để trao cho ai đó nụ cười, thốt lên một lời tử tế, chìa tay ra cho người đang cần giúp đỡ, cho đi một lời khuyến khích với người đang cố gắng vượt qua khốn khó thì cuộc sống này sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều.

Cho đến bây giờ, trong suốt quá trình làm nghề, Hồng Thúy từng được nhận được nhiều giải thưởng. Trong đó, lớn nhất là giải B - Giải báo chí quốc gia, giải Vàng - Liên hoan Phát thanh toàn quốc, nhưng Hồng Thúy vẫn nghĩ rằng mình còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Phần thưởng quan trọng bây giờ là hàng tuần sau khi chương trình phát sóng những mảnh đời khó khăn sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự sẻ chia từ cộng đồng. Chị còn ấp ủ nhiều dự định. Trong tương lai hoạt động của chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt đâu chỉ dừng ở miền Nam hay miền Trung mà hơi ấm tình thương này còn phải lan tỏa đến nhiều vùng miền xa xôi của Tổ quốc.

Sinh thời Bác Hồ từng nói, điều Người quý nhất là việc thiện. Chính những điều thiện sẽ tạo nên nguồn hạnh phúc lớn lao cho con người. Nhờ vậy, đôi chân của nhà báo Hồng Thúy chưa bao giờ mỏi mệt. Mới đây, chị đã vinh dự nhận được bằng khen của Thủ Tướng chính phủ vì những đóng góp của mình trong công tác vận động từ thiện, chị cũng là tấm gương được Đảng ủy Khối Dân Chính Đảng, Ban tuyên giáo Thành ủy... tuyên dương thành tích điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Sự động viên khuyến khích tinh thần này sẽ giúp chị vững vàng hơn trên con đường phía trước, gieo vào lòng thính giả những hạt mầm của sự yêu thương để rồi một ngày nào đó, góp phần làm tươi mát thêm cuộc đời này.

Bình luận