Chờ...

Nhận diện những chiêu lừa đảo trong cao điểm du lịch

VOH - Lợi dụng các đợt cao điểm du lịch, các đối tượng thực hiện nhiều chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dùng.

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dùng có thể kể đến gồm làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán cùng con dấu của công ty. 

Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch, các đối tượng sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết. 

Thủ đoạn thứ hai là các đối tượng chạy quảng cáo những bài đăng với nội dung bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ, nhiều ưu đãi kèm theo. 

Khi có nạn nhân tiếp cận, đối tượng mời chào và đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc khoảng từ 30-50% giá trị. 

Sau khi đặt cọc, các đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân tự khai thông tin, hoàn thiện hồ sơ... nhằm đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng và chiếm đoạt tài sản.

20240429Luadaomuadulich
Du khách tham quan Đà Lạt - Ảnh: VOH

Thủ đoạn thứ ba các nhóm lừa đảo có thể sử dụng trong thời gian này mà người dùng cần cảnh giác là đối tượng dẫn dụ nạn nhân bằng chiêu trò đăng bài viết quảng cáo dịch vụ làm visa du lịch nước ngoài, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa. 

Sau khi nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí hoặc một phần chi phí, các đối tượng sẽ để nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ… 

Sau đó, đối tượng lấy lý do nạn nhân khai thông tin bị thiếu và không trả lại tiền. 

Thủ đoạn lừa đảo thứ tư là các đối tượng mạo danh đại lý bán vé máy bay, tạo lập những website/fanpage của các công ty du lịch uy tín, mạo danh đại lý vé máy bay, tạo các website, trang mạng xã hội, địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự website thật của hãng. 

Ngoài ra, nhiều người dân có thói quen đặt vé online phục vụ nhu cầu đi du lịch, về quê… dẫn đến tình trạng nhiều trường hợp bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Thủ đoạn thứ năm là các đối tượng sử dụng tài khoản mạng xã hội liên hệ nhà hàng đặt tiệc tiếp khách. Sau khi thống nhất các món ăn, các đối tượng yêu cầu nhà hàng chuẩn bị rượu vang để sử dụng, đồng thời đặt số lượng lớn loại nước uống hồng sâm của Hàn Quốc làm quà tặng cho khách dự tiệc. Sau khi được nhân viên nhà hàng liên hệ, nhận báo giá của cửa hàng rồi thông báo lại cho khách đặt, nhân viên nhà hàng đề nghị khách hàng chuyển tiền cọc để nhà hàng mua rượu và hồng sâm. 

Đến gần thời gian đặt tiệc, đối tượng lại gửi biên lai hóa đơn giả. Dù chưa nhận được tiền cọc nhưng do tin tưởng, nhà hàng chuyển số tiền đặt hàng cho phía cửa hàng bán rượu và hồng sâm. 

Tuy nhiên sau đó, chẳng có khách nào đến nhà hàng dự tiệc, rượu và hồng sâm đặt giúp cũng không ai mang đến. 

Khi kiểm tra thì nhân viên nhà hàng mới phát hiện "khách vip" cũng như đại diện cửa hàng hồng sâm đã chặn tin nhắn của nhà hàng và xóa kết bạn.

Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác. 

Người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch; nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, phòng khách sạn, vé máy bay của những công ty hoặc ứng dụng du lịch uy tín; lựa chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký). 

Người dân cũng có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề... của công ty lữ hành, du lịch và cảnh giác với các gói du lịch, phòng khách sạn, vé máy bay có mức giá quá rẻ. 

Bên cạnh đó, người dân cũng cần chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên miền.

Sau khi đặt phòng khách sạn hoặc vé máy bay, cần xác nhận lại thông tin đặt phòng từ khách sạn đã đặt, thông tin vé máy bay từ hãng. 

Người dân tuyệt đối không nhận chuyển khoản hay thanh toán hộ cho những đối tượng không rõ danh tính; kiểm tra kỹ nội dung biên lai và chỉ nên thực hiện khi chắc chắn tài khoản của mình nhận được tiền của đối tượng. 

Khi phát hiện các hành vi có dấu hiệu lừa đảo, người dân nhanh chóng trình báo cơ quan Công an gần nhất để xử lý theo đúng pháp luật.

Bình luận