Chờ...

Nhiều kỳ vọng về các đặc khu kinh tế trong tương lai

(VOH) - Tại kỳ họp Quốc hội lần này, một trong những nội dung thu hút sự quan tâm, đó là dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, cũng như là các đề án xây dựng 3 đặc khu kinh tế.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 22/3, Bộ Chính trị có kết luận tại Thông báo số 21 về các đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) và đồng ý chủ trương xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

3 đặc khu kinh tế sẽ thành lập là Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) và Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) - Ảnh: VNN

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn Cà Mau, việc hình thành các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Khi ra đời, đây sẽ trở thành các vùng động lực tăng trưởng cho đất nước, mang lại sức sống mới cho các trọng điểm kinh tế mới. Tuy nhiên, điều tiên quyết là phải có mô hình và cơ chế đột phá, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, kiểm toán được lợi ích của các nhà đầu tư và tạo sự lan tỏa cho cả nền kinh tế.

 "Luật về đặc khu hành chính - kinh tế rất cần thiết. Bởi vì, phải tạo một sức hấp dẫn, một bước đột phá, một điểm nhấn để tạo cú hích trong nền kinh tế. Đã có những đặc khu kinh tế trong những năm vừa rồi. Tất cả hoạt động tương đối rất hiệu quả, nhưng đã gọi là đặc khu thì phải có những chính sách phải vượt trội thực sự, phải làm sao cho một cơ chế thật mạnh, có như thế mới kêu gọi, mới thu hút và phát triển được. Đây là một mô hình mới nhưng theo tôi rất là hay", đại biểu Thanh Vân cho biết.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TPHCM cho rằng, qua thực tiễn phát triển của đất nước cho thấy, các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế của nước ta đang đứng trước sự cạnh tranh quốc tế gay gắt. Trong khi đó, các quốc gia trên thế giới thường xuyên cập nhật những mô hình phát triển mới với thể chế và chính sách vượt trội. Chính vì vậy, các đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính, với cơ chế và chính sách mở, thông thoáng, tập trung nhiều ưu đãi được nhiều quốc gia áp dụng và phát triển thành công, tạo giá trị lan tỏa cho cả nền kinh tế.

"Thế giới hiện nay có rất nhiều đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt. Kể cả các nước trong khu vực và ngay cả nước láng giềng. Ngay cả Myanmar cũng mới được thành lập các đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt. Ở đó, người ta sẽ sử dụng rất nhiều cơ chế ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư. Vậy thì chúng ta sẽ ưu đãi gì? Chúng ta sẽ có những chính sách gì, để có thể cạnh tranh được, để có thể nâng cao được hiệu quả của các đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt của Việt Nam.

Một điểm nữa mà chúng ta cần lưu ý, là khi đã nêu ra được các các điều khoản thì cần phải có một bề dày, một thời gian về tuổi thọ của luật. Điều đó có nghĩa là phải tạo điều kiện, có thể phát sinh thêm nhiều đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt trên phạm vi cả nước, ở cả 63 tỉnh thành chứ không phải chỉ riêng ở ba tỉnh mà chúng ta dự kiến", đại biểu Trần Hoàng Ngân đóng góp.

Theo thống kế, hiện nay cả nước có 17 khu kinh tế ven biển, 26 khu kinh tế cửa khẩu và gần 330 khu công nghiệp. Giá trị kinh tế mà các đơn vị này mang lại cho đất nước vào khoảng 153 tỷ đô la Mỹ, chiếm 52% đăng ký đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 42%, xuất khẩu bằng 52%, thu hút khoảng 3 triệu lao động. Giá trị đó cho thấy vai trò quan trọng của khu vực này đối với nền kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, việc phát triển các khu kinh tế vẫn còn sự khác nhau giữa mục tiêu và hướng phát triển ngành, thể chế chưa có nhiều vượt trội, thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, nhiều đầu mối.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm, đoàn Phú Thọ cho rằng phải giảm tối đa các thủ tục hành chính. Thứ nữa là tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ máy ở đấy hoạt động một cách năng động, xử lý các vấn đề một cách nhanh chóng. Cần phải có cơ chế đặc biệt cho bộ máy quản lý của chính phủ về đăc khu hành chính - kinh tế đặc biệt này.

Theo một số đại biểu, để các đặc khu kinh tế thành công trong tương lai, cần có có một số điều kiện cần khác, đó là phải đảm bảo được sự tiếp cận liên tục đến thị trường thế giới thông qua hệ thống giao thông hiệu quả, luật lệ mang tính cạnh tranh, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Chỉ với những điều kiện vừa nêu, rõ ràng chưa thể biến các đặc khu kinh tế thành công ngay lập tức, nhưng Việt Nam cũng có cơ sở lạc quan nhất định về tiềm năng khi xây dựng các đặc khu kinh tế này mà Phú Quốc đang là trường hợp điển hình.

Bình luận