Chờ...

Nhìn lại đợt 1 kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 15

(VOH) - Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa 15 đã kết thúc đợt làm việc trực tuyến.

Quốc hội đã thể tinh thần hành động, khát khao đổi mới, chủ động vào cuộc cùng Chính phủ, cùng cả nước ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh. Dù là thảo luận trực tuyến giữa đầu cầu 62 tỉnh, thành phố với đầu cầu Hội trường Diên Hồng nhưng các đại biểu Quốc hội làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, tranh luận làm bật sáng vấn đề còn ý kiến khác nhau để các quyết sách của Quốc hội đúng và trúng với đòi hỏi của thực tiễn.

Với tinh thần tiếp tục đổi mới, những gì diễn ra tại đợt họp đầu tiên đã cho thấy Quốc hội đang thực sự đổi mới để ngày càng đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của nhân dân. Các báo cáo của Chính phủ, báo cáo Thẩm tra của các Ủy ban tại kỳ họp này đã thực sự ngắn gọn, đi vào trọng tâm vấn đề cử tri quan tâm.

Đáng chú ý, lần đầu tiên Quốc hội họp trực tuyến với 10 tổ thảo luận tại Nhà Quốc hội và ở 62 tổ thảo luận ở các địa phương. Khoảng cách về địa lý không làm giảm bớt tinh thần sôi nổi tại các tổ thảo luận. Đứng trước những vấn đề rất lớn của đất nước, nhiệm vụ đặt ra cho mỗi đại biểu rất nặng nề và trách nhiệm cũng rất lớn lao.

Đợt 1 kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Ảnh: quochoi.vn
Đợt 1 kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Ảnh: quochoi.vn

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực, Quốc hội đã tích cực, chủ động vào cuộc, cùng cả nước ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, quyết định các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân với tổng số tiền gần 100 ngàn tỷ đồng. Đặc biệt, trước ngày khai mạc Quốc hội, Nghị quyết 406 được ban hành đã hỗ trợ nhanh chóng kịp thời, đi trúng và đúng vào người dân, doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Đức Thuận, đoàn Nghệ An bày tỏ vui mừng khi quyết sách “còn thơm mùi mực”, có hiệu lực ngay, góp thêm nguồn lực quan trọng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất : "Tác động từ Covid-19 rất nặng nề. Nhiều doanh nghiệp vay ngân hàng, xây dựng cơ sở xong không sản xuất kinh doanh được trong khi đó lãi suất ngân hàng vẫn phải trả."

Mỗi phiên thảo luận trực tuyến tại nghị trường thường có khoảng 30 đại biểu tham gia phát biểu, trong đó việc bấm nút tranh luận trở nên quen thuộc. Đại biểu thẳng thắn phân tích về những điểm chưa phù hợp của dự thảo luật. Đại biểu Quốc hội khó tính hơn, kỹ tính hơn với các dự thảo luật để đảm bảo chất lượng luật và đảm bảo sớm có luật điều chỉnh những vấn đề cuộc sống đang đòi hỏi.

Với dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự, khi giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và giữa các đại biểu thảo luận tại Hội trường còn có hai luồng ý kiến khác nhau về cùng một vấn đề, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp ngoài chương trình kỳ họp với đại diện các bộ ngành liên quan, các Ủy ban của Quốc hội để lắng nghe thêm cơ sở thực tiễn, cơ sở lý luận của vấn đề, từ đó là căn cứ thấu đáo để hoàn thiện, chỉnh lý thêm dự thảo luật.

Trong đợt họp trực tuyến, Quốc hội cũng dành thời gian thảo luận về các vấn đề quan trọng như vấn đề quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, trao cơ chế đặc thù cho một số địa phương; dự kiến tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025. Đây là những vấn đề lớn, mở đường và hoạch định con đường phát triển kinh tế xã hội của không chỉ từng địa phương mà cả vùng, khu vực và của cả đất nước trong những năm tới.

Các ý kiến nhấn mạnh, muốn trao cơ chế đặc thù, cần tránh “đồng phục” chính sách, kế hoạch cơ cấu lại kinh tế cần có điểm nhấn và sớm đặt ra đầu bài cho công tác lập pháp, pháp luật cần tạo lực đẩy để phát huy thế mạnh, tiềm năng, phát huy nguồn lực con người và xây dựng cơ chế quản trị năng động, minh bạch, công khai, hiệu quả. Đại biểu Phan Đức Hiếu, đoàn Thái Bình cho rằng: "Cải cách thể chế rất quan trọng, là nền tảng để thực hiện các giải pháp. Thể chế thứ nhất là khung luật pháp phải cải cách mạnh mẽ nhanh chóng. Thể chế thứ hai là năng lực điều hành, tính thích ứng của Chính phủ và bộ máy, các quyết định đưa ra nhanh, chất lượng và có tính toàn diện. Cơ cấu lại nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng và hướng đến nền kinh tế năng động, phát triển xanh, đổi mới sáng tạo, kinh tế số..."

Các đại biểu Quốc hội cảm nhận, dù họp trực tuyến, không khí thảo luận, tranh luận dân chủ vẫn được đảm bảo. Theo Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, mặc dù họp trực tuyến nhưng chất lượng các buổi thảo luận tương đương với họp trực tiếp. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị về mặt kỹ thuật lần này rất tốt, đảm bảo sự liên lạc thông suốt từ hội trường Diên Hồng đến đầu cầu ở các địa phương, thông tin liên tục và không bị gián đoạn : "Các dự án luật được đưa ra ý kiến trong kỳ họp này đều là những dự án luật cần thiết phải sửa đổi bổ sung. Các dự thảo luật được chuẩn bị chu đáo, hoàn thiện theo quy định. Chất lượng dự án luật tốt. Tôi cũng nhận thấy sự nghiêm túc trong việc trình và chuẩn bị các dự án trong kỳ họp lần này"

Với tinh thần luôn gần dân, sát dân, Quốc hội đã có nhiều đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Thành công quan trọng hơn là phương pháp, phong cách, tư thế và tư duy làm việc của Quốc hội. 

Bình luận