Chờ...

Nhóm "hiệp sĩ" bị tấn công: Khi mất rồi mới biết anh đi bắt cướp!

(VOH) - Sáng 14/5, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã đến bệnh viện thăm và động viên các "hiệp sĩ" trong vụ xả thân bắt cướp tại quận 3 vào tối 13/5.

Tại Bệnh viện Nhân dân 115, Bác sĩ Trần Văn Sóng - Trưởng khoa cấp cứu Tổng hợp cho biết, đêm qua, khoa cấp cứu tiếp nhận 3 bệnh nhân được đơn vị bạn đưa đến. Dù đã tích cực cấp cứu nhưng 2 bệnh nhân đã tử vong. Với trường hợp thứ 3 là bệnh nhân Trần Văn Hoàng sinh năm 1968 bị đa chấn thương, có vết thương thấu bụng dài 20cm. Bệnh viện ngay lập tức kích hoạt báo động đỏ chuyển thẳng bệnh nhân lên phòng mổ để phẫu thuật. Các bác sĩ đã hồi sức tích cực, hiện bệnh nhân ổn, tiếp xúc tốt, sinh hiệu tạm ổn.

Vụ 5 hiệp sĩ bị tấn công

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đến bệnh viện Thống Nhất thăm và động viên các "hiệp sĩ." 

Tại bệnh viện Thống Nhất, Bác sĩ Hoàng Tuấn – Phó Trưởng khoa phẫu thuật hồi sức cấp cứu, thông tin, trong đêm qua, bệnh viện cũng đã tiếp nhận 2 bệnh nhân là 2 "hiệp sĩ" Đinh Phú Quý và Nguyễn Đức Huy sinh năm 1996. Bệnh nhân Quý đã rơi vào tình trạng nguy kịch do mất máu vì bị hung khí sắc nhọn chém gần đứt cánh tay phải. Cuộc phẫu thuật nối mạch máu và dây thần kinh kéo dài đến tận 12 giờ đêm với lượng máu truyền cho nạn nhân là 2 đơn vị máu.

Bệnh nhân Nguyễn Đức Huy thì nhập viện trong tình trạng phổi bị đâm thủng gây nên tình trạng tràn máu, tràn khí lồng ngực. Sau khi được mổ cấp cứu dẫn lưu khoang màng phổi, hiệp sĩ Huy đã ổn định. Anh Nguyễn Đức Huy kể lại khi đang đi trên đường thì phát hiện bọn chúng cũng có ghé vào nhiều cửa hàng quần áo nhưng do có người trông coi xe nên không thực hiện được. Cửa hiệu mà bọn chúng ăn cắp chiếc SH do không có người trông xe nên dễ dàng bẻ khóa dắt ra.

Tại Bệnh viện Thống Nhất, sau khi thăm hỏi, động viên các "hiệp sĩ", Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu công an phải nhanh chóng truy tìm tung tích băng cướp. Ông Phong chỉ đạo công an phải nhanh chóng truy tìm bọn tội phạm. “Mỗi em trong đội đều có công việc mưu sinh riêng của mình nhưng bức xúc trước tình hình an ninh trật tự của thành phố và làm vì nghĩa với người dân TP. Vì vậy không có lý do nào mình không có những giải pháp cho việc này”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói.

Vụ 5 hiệp sĩ bị tấn công

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thăm các "hiệp sĩ " tai giường bệnh.

Từ Bình Định vào TPHCM mưu sinh bằng những việc lao động chân tay như sửa xe, rồi chạy xe ôm để trang trải qua ngày, tranh thủ ban đêm, hiệp sĩ Nguyễn Văn Thôi tham gia nhóm hiệp sĩ đường phố để cứu giúp người dân bị nạn. Giờ khi anh mất trong vụ bắt cướp đêm qua thì nỗi lo cho cuộc sống con trai anh khiến người thân nặng trĩu u buồn. Người nhà của anh Nguyễn Văn Thôi bộc bạch, đến khi anh mất rồi, gia đình mới biết anh đi bắt cướp. Người nhà anh cho biết  nhà cũng nghèo khó, anh phải mưu sinh ở TP, và giờ mình mới biết là anh làm những việc này. Năm ngoái về nhà thì anh nói là anh đi bắt cướp thì chỉ nghĩ là anh nói chơi thôi. Đến khi mà anh ra đi rồi thì mới biết là anh mình rất là nghĩa hiệp. Anh có vợ và đứa con gần 10 tuổi, nên rất tội nghiệp cháu.

Theo nhóm "hiệp sĩ" đường phố được khoảng 7 năm, hiệp sĩ Đỗ Công Tường, thành viên trong nhóm hiệp sĩ Tân Bình chia sẻ, anh em vì tinh thần nghĩa hiệp, làm việc nghĩa cứu người gặp nạn dù biết rằng cũng sẽ có lắm rủi ro. Về trang bị phòng thân thì các anh không thể đem theo vì đi đêm hôm gặp cơ quan chức năng sẽ bị kiểm tra, xử phạt. Anh cho biết có những anh em mới vào nghề không biết đi ban đêm đem theo cây côn gặp đội Cảnh sát cơ động 113 họ sẽ kiểm tra rồi bắt buộc phải nộp phạt.

“Nhiều khi tụi em đi đoạn Lý Thường Kiệt, hay 3/2 bị phạt, không có xin sỏ gì được, nhiều khi nói là bọn em chỉ giúp xã hội thôi nên mới đem côn theo để phòng ngừa tội phạm nhưng các anh vẫn cho là đem hung khí ra đường nên bọn em rất sợ. Mình bỏ công bỏ sức ra giúp xã hội mà bị bắt một lần phạt mấy triệu anh em đâu có tiền, cũng buồn lắm”, anh Tường cho biết.

Các anh làm việc vì tinh thần nghĩa hiệp với những nghĩa cử rất đáng tôn vinh trong xã hội ngày nay, thế nhưng, khi gặp hữu sự thì rõ ràng mới thấy, họ làm việc chủ yếu vì cái tâm, vì lòng tốt là chính để rồi khi gặp bọn tội phạm tấn công lại thì hầu như không được trang bị bất cứ phương tiện nào để chống trả.

Qua vụ việc này, một số "hiệp sĩ" cũng lên tiếng về nỗi lòng của anh em, rất mong và xin đề xuất thành lập các nhóm chính danh để góp phần phòng chống tội phạm, giữ bình yên cho địa bàn dân cư. Đây cũng là nơi để anh em tập hợp vào tổ chức, được hướng dẫn, trang bị kỹ năng phòng chống tội phạm, không chỉ là công việc tự phát như thời gian qua./.

Bình luận