Chờ...

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2023

VOH - Từ 1/7 tới, nhiều chính sách ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động và người dân chính thức có hiệu lực như tăng lương cơ sở, tinh giản biên chế, bảo vệ dữ liệu cá nhân...

Từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng

Theo Nghị định 24 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, từ ngày 1/7/2023, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng cho 9 nhóm đối tượng.

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2023 1
Ảnh minh họa: TTXVN

Về kinh phí thực hiện, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên dự toán năm 2023 tăng thêm so với dự toán năm 2022 đã được cấp có thẩm quyền giao;

Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập có thu phí thực hiện trích lập tạo nguồn cải cách tiền lương từ một phần nguồn thu phí được để lại theo chế độ quy định sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí...

Chính sách mới về tinh giản biên chế

Có hiệu lực từ ngày 20/7/2023, các chế độ, chính sách quy định tại Nghị định số 29 quy định về tinh giản biên chế, được áp dụng đến hết ngày 31/12/2030. 

Điều chỉnh điều kiện hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với nữ cán bộ, công chức cấp xã có từ đủ 15 năm và dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, đảm bảo phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019.

Nghị định cũng bổ sung 2 chính sách nhằm khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính nghỉ việc ngay theo yêu cầu của Nghị quyết số 595.

Chính sách mới về phòng ngừa bạo lực gia đình

Từ 1/7/2023, chính sách mới về phòng ngừa bạo lực gia đình có hiệu lực.

Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2023 gồm 6 chương, 56 điều, tăng 10 điều so với Luật 2007.

Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; nhóm đối tượng được áp dụng tương tự.

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2023 2
Ảnh minh họa: VOH

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin truyền thông, giáo dục; nội dung tư vấn, đối tượng cần tập trung tư vấn và quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Sửa đổi quy định về hòa giải nhằm tránh lợi dụng hòa giải để trốn tránh xử lý hành vi bạo lực gia đình; bổ sung "Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình", trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình và sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Nghị định 13/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng có hiệu lực từ ngày 1/7/2023.

Dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể.

Dữ liệu cá nhân bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Dữ liệu cá nhân nhạy cảm là dữ liệu cá nhân gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân mà khi bị xâm phạm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.

Cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao-Bộ Công an, có trách nhiệm giúp Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

Theo Nghị định 27/2023 quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, kể từ ngày 15/7/2023, trường hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành mức thu phí mới thì tiếp tục thực hiện mức thu phí theo quy định hiện hành của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;

Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành tỷ lệ của từng loại khoáng sản nguyên khai có trong tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai chứa nhiều khoáng vật, khoáng chất có ích thì tiếp tục áp dụng tỷ lệ theo quy định hiện hành của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. 

Mức thu phí cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Từ 21/7/2023, quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa có hiệu lực.

Mức thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) được quy định như sau:

- Trường hợp cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa: 60.000 đồng/bộ.

- Trường hợp cấp lại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa: 30.000 đồng/bộ C/O.

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2023 3
Ảnh minh họa: Internet

Người nộp phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) là thương nhân có hồ sơ đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Người nộp phí thực hiện nộp phí theo mức thu trên cho tổ chức thu phí khi nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Bình luận