Chờ...

Những kẽ hở trong đấu thầu thuốc

(VOH) - Thanh tra Sở y tế TPHCM vừa công bố kết luận về công tác đấu thầu thuốc trong năm 2009 ở bệnh viện nhân dân 115, theo đó qua kiểm tra ngẫu nhiên một số hồ sơ trúng thầu cung cấp thuốc cho bệnh viện, đoàn phát hiện, có công ty lẽ ra phải bị loại nhưng vẫn được trúng thầu, có hồ sơ mời thầu không đúng quy định, việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu không có tính khách quan.

Giá thuốc cao vì giá trúng thầu cao.

Đặc biệt trong việc chấm điểm kỹ thuật có công ty không đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn được chấm điểm cao cho tất tất cả các mặt hàng mà công ty tham gia dự thầu. Ngay như việc mua thuốc đông dược bệnh viện cũng làm sai quy định, thay vì mua sắm theo hình thức chào hàng cạnh tranh như kế hoạch đấu thầu và danh mục thuốc mời thầu đã được phê duyệt thì lại mua trực tiếp. Thậm chí các khoa điều trị đã yêu cầu bệnh nhân mua thuốc tại nhà thuốc của bệnh viện theo chủ trương của Ban giám đốc, nếu thuốc mua ở nơi khác thì không được sử dụng….Theo một số công ty dược quy trình đấu thầu thuốc hiện nay khá rắc rối và còn nhiều kẽ hở, không hiếm những khuất tất, do vậy không thanh tra thì thôi, nếu thanh tra chắc chắc sẽ phát hiện sai phạm mà bệnh viện nhân dân 115 là một điển hình.

Bà Phạm Thu Thuỷ - Giám đốc kinh doanh công ty dược phẩm 2 tháng 9 - Nadyphar cho biết, mỗi năm vào tháng 6, công ty lại chuẩn bị hồ sơ dự thầu để tham gia vào cuộc chạy đua cung cấp thuốc cho bệnh viện. Nói là cuộc đua bởi phải trãi qua nhiều vòng và vô cùng căng thẳng, khoảng thời gian này các công ty phải hết sức “ nỗ lực” để hồ sơ của mình thật đẹp và được lòng các bệnh viện. Muốn hồ sơ đẹp cũng không đơn giản. Đầu tiên, doanh nghiệp phải có loại thuốc trùng với danh mục 05 do Cục quản lý dược đưa ra thì mới được tham gia đấu thầu và được bảo hiểm y tế trả phí. Tiếp theo là loại thuốc mà công ty cung cấp phải nằm trong danh mục thuốc của bệnh viện thường xuyên sử dụng. Làm thế nào để vào được danh mục này lại thì là nghệ thuật tiếp thị để bác sĩ chấp nhận sử dụng thuốc. Không hiếm công ty đã “ ngậm đắng nuốt cay” cùng dấu hỏi lớn vì sau 1 lần đấu thầu, một mặt hàng gồm 2 loại canxi phối hợp tiêu thụ rất chạy tại các nhà thuốc lẻ và cũng là sản phẩm có uy tín ở các bệnh viện bị rớt thầu, do mặt hàng này chiếm khoảng 30-40% doanh số chung của công ty nên thiệt hại là vài chục tỷ đồng nhưng kinh nghiệm xương máu để lại cho những người phụ trách đấu thầu của công ty đau đớn không kém. Ngẫm lại họ thấy rằng, chẳng có lý do gì để giải thích cho chuyện này bởi xây dựng danh mục thuốc là quyền của các bệnh viện, năm nay là danh mục thuốc này nhưng năm tới lại là danh mục khác. Bà Thủy cho biết thêm:

Thuốc trúng thầu vào được bệnh viện cũng chưa hết nỗi lo, bởi có loại thuốc cả năm bác sĩ chẳng thèm kê toa. Lý do vẫn muôn đời cũ, do công ty thiếu sự quan tâm chăm sóc đến bác sĩ, và dù có chăm sóc thì các công ty dược trong nước chẳng là gì so với công ty dược nước ngoài, vì thuốc nội rẻ chiết khấu không đáng kể. Cũng chính quy chế đấu thầu hiện nay, khiến giá thuốc tại các nhà thuốc bệnh viện luôn cao hơn bên ngoài. Bà Lê Thị Nghiêm, nhà tại Quận Bình Thạnh kể lại kinh nghiệm rằng với những toa thuốc giá tiền lớn, bà chưa bao giờ mua tại nhà thuốc bệnh viện mà đến nơi bán sĩ trên đường 3-2. Không mua được bằng giá sỉ nhưng bà so sánh thấy giá vẫn rẻ hơn so với thuốc trong bệnh viện. Đây cũng là thực tế chung của nhiều nhà thuốc bệnh viện hiện nay. Giải thích của các công ty cung cấp thuốc, vì khi đấu thầu, doanh nghiệp có thể đưa ra giá trần, giá trúng thầu cao hay thấp đôi khi không ảnh hưởng nhiều đến kết quả thầu bởi còn nhiều yếu tố chi phối như uy tín của doanh nghiệp, điểm kỹ thuật và có thể cả quá trình “ đi đêm” với bệnh viện. Có doanh nghiệp trúng thầu với giá rất cao nên việc thuốc trong bệnh viện bán với giá cao hoàn toàn dễ hiểu, bởi vậy khi có thông tin một số loại thuốc của bệnh viện Ung Bướu trong nhà thuốc bán cao hơn bên ngoài thì lãnh đạo của bệnh viện Ung Bướu cho biết rằng quy trình đấu thầu của bệnh viện là hoàn toàn đúng, không có gì khuất tất. Giá thuốc cao vì giá trúng thầu cao.

Theo những gì mà chúng tôi tìm hiểu mỗi năm các bệnh viện tuyến trên như Chợ Rẫy, Thống Nhất sử dụng khoảng 700-800 tỷ đồng tiền thuốc, bệnh viện ít hơn cũng phải 500 tỷ, con số này cao hơn nhiều so với doanh thu của mấy công ty dược cộng lại. PGS -TS Lê Văn Truyền, phó tổng giám đốc công ty dược Savipharm cho rằng, có những kẻ hở trong việc đấu thầu thuốc không nên đổ lỗi hết cho các giám đốc bệnh viện, bởi mỗi năm giám đốc phải duyệt đấu thầu khoảng 1.000-2.000 mặt hàng của cả trăm công ty nếu không tỉnh táo rất dễ có sai sót. Hơn nữa, thị trường hiện có khoảng 8.000 mặt hàng thuốc ngoại, 8.000 mặt hàng thuốc nội, có khá nhiều loại cùng một công dụng của nhiều công ty nhưng giá cả khác biệt vô cùng. Để các công ty dược trong nước có thể chen chân vào lĩnh vực đấu thầu thuốc Bộ y tế nên xem lại quy chế đấu thầu cũng như phải có sự đánh giá xếp hạng các nhà máy sản xuất dược phẩm để tạo thêm uy tín cho doanh nghiệp. Ông Truyền cho biết thêm:

Thưa quý vị! Thuốc là một mặt hàng đặc biệt nên dẫu có đắt người bệnh cũng phải móc hầu bao. Câu chuyện quản lý giá thuốc năm nào cũng được đặt lên bàn của các cơ quan chức năng nhưng hầu như chẳng thể nào kiểm soát nổi. Một số chuyên gia cho rằng, Bộ y tế cần thực hiện việc đấu thầu thuốc theo hình thức tập trung thì mới có thể ổn định thị trường theo hướng minh bạch được./.

Thanh Xuân

Bình luận