Chờ...

Nông dân cần tự cứu lấy mình bằng chính sách bảo hiểm nông nghiệp

(VOH) - Thời gian vừa qua, điệp khúc nông dân được mùa mất giá thường xuyên xuất hiện.

Từ đó kéo theo tình trạng người dân phải thường xuyên giải cứu nông dân như giải cứu dưa hấu, thanh long, sầu riêng,...tôm hùm.

Không chỉ được mùa mất giá mà vừa qua, do dịch bệnh Covid 19, nông sản, thủy sản cũng ảnh hưởng, gặp khó khăn trong việc xuất khẩu, người dân cũng phải nhảy vào giải cứu, nhà nước phải tìm phương án giải quyết. Thay vì phải bị động chờ đợi được giải cứu, tại sao nông dân không tự bảo vệ mình, tự quản lý rủi ro canh tác, tự giải cứu mình bằng liên minh hợp tác xã, bằng các gói bảo hiểm nông nghiệp.

Tiến sĩ Võ Thị Kim Sa - Phó hiệu trưởng trường Cán bộ và Quản lý nông nghiệp phát triển nông thôn 2 thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời là Đồng Giám đốc của dự án phát triển hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về quả lý rủi ro, các chương trình bảo hiểm và huy động vốn trong nông nghiệp.

Hiện nay, các hợp tác xã nông nghiệp, người nông dân tại Việt Nam chưa biết và quan tâm nhiều đến bảo hiểm nông nghiệp. Mặc dù nội dung này đã được nhà nước triển khai từ năm 2015 đến nay với những cơ chế chính sách tài chính, bảo hiểm nông nghiệp cho lúa, cao su, hạt tiêu, điều, cây ăn trái, heo, trâu bò, gia cầm, tôm, cá tra. Các hộ nghèo hoặc cận nghèo được hỗ trợ 90% phí bảo hiểm, còn cá nhân và tổ chức khác được hỗ trợ 20% mức phí.

Mới đây, nghị định 58 về bảo hiểm nông nghiệp đang thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp từ tháng 06/2019 đến 31/12/2020 cho lúa, trâu bò và tôm, hiện đang thực hiện ở 15 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Bà Lê Thị Nguyệt Thu - Phó giám đốc dự án phát triển hợp tác xã Việt Nam- VCED nêu một số rủi ro mà người nông dân khi chưa tiếp cận được chính sách bảo hiểm nông nghiệp: "Rủi ro về mặt tài chính và thị trường thì cái khó nhất là hợp tác xã và nông hộ nhỏ lẻ rất khó tiếp cận thị trường tín dụng khác nhau, và một trong những cái khó là tài sản thế chấp thì bên nông hộ hay bên hợp tác xã khó tiếp cận được nguồn vay. Ngành trái cây thì giá lên giá xuống, nhất là gần đây biên độ giá dao động lớn hơn nữa, đó là rủi ro rất lớn cho thị trường các ngành hàng. Đối với các hộ sản xuất trái cây khi gặp thương lái thương lượng về mặt giá cả, thường các nông hộ của mình yếu thế hơn và khó có quyền mình kiểm soát được giá. Và nếu nói về rủi ro về các mặt sản xuất thì bảo hiểm mùa vụ sẽ là một công cụ tốt, tiềm năng để giúp đỡ nông hộ vượt qua khó khăn này".

Dự án phát triển hợp tác xã Việt Nam từ năm 2015 đã hỗ trợ thành lập và phát triển 5 hợp tác xã quy mô lớn tại 5 tỉnh gồm: Sóc Trăng, Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng và Bến Tre. Mục tiêu quan trọng nhất là giúp cải thiện sinh kế cho nam và nữ nông dân một cách bình đẳng và bền vững, thông qua phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp trong mô hình hợp tác xã kiểu mới. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước tiến tích cực trong việc phát triển các chính sách về bảo hiểm nông nghiệp. Nhiều chính sách liên quan đã được ban hành, tuy nhiên cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận của người nông dân và doanh nghiệp bảo hiểm.

Theo Tiến sĩ Võ Thị Kim Sa - Phó hiệu trưởng trường Cán bộ và Quản lý nông nghiệp phát triển nông thôn 2 thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời là đồng giám đốc của dự án phát triển hợp tác xã Việt Nam thì nguyên nhân bảo hiểm nông nghiệp chưa phổ biến ở Việt Nam là do các nguyên nhân sau: Thứ nhất là nhận thức của người dân. Bà con cứ nghĩ rằng nếu mà rủi ro thì là nhà nước sẽ hỗ trợ. Thứ 2 chuyện này cũng rất mới mẻ và cái khó khăn là quy mô sản xuất của mình rất là nhỏ và manh mún, phân tán. Cho nên khi công ty bảo hiểm muốn bảo hiểm cũng lo, không biết là những người nông dân mua bảo hiểm xong quy trình sản xuất ra sao, ai sẽ giám sát quy trình sản xuất đó. "Chúng tôi trăn trở và suy nghĩ rằng gói bảo hiểm tập thể có lẽ nó sẽ phù hợp hơn và nó sẽ dễ đi vào thực tế hơn”, bà Sa nói.

Cho đến nay mới chỉ có khoảng 0,5% số hợp tác xã có thể tiếp cận được vốn ngân hàng nếu không có thế chấp. Vượt qua thách thức này là điều kiện cần thiết để thúc đẩy tiềm năng phát triển hợp tác xã ở Việt Nam; từ đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế quốc gia và cải thiện năng lực của người nông dân trong việc phát triển sinh kế và ứng dụng cải tiến trong ngành nông nghiệp. Có nhiều gói bảo hiểm khác nhau cho từng nhu cầu khác nhau của các nông hộ, hợp tác xã, tùy theo điều kiện mà lựa chọn cho phù hợp. Tiến sĩ Võ Thị Kim Sa cho biết thêm người nông dân cần liên minh lại tạo thành một hợp tác xã có pháp nhân rõ ràng, có quy trình cụ thể, có như vậy thì việc mua bảo hiểm sẽ được rẻ hơn, tốn ít chi phí hơn, bà chia sẻ thêm về mô hình bảo hiểm nông nghiệp đã được thực hiện tại Canada.

“Có nhiều gói bảo hiểm khác nhau, thì ở Canada người ta nói rằng có 4 chiều có thể ảnh hưởng tới người nông dân. Thứ nhất là thiên tai, thứ 2 là thời tiết, thứ 3 là tài chính, thứ tư là thị trường. Vậy thì người nông dân có thể mua các gói bảo hiểm khác nhau. Ví dụ như được mùa mất giá họ mua gói bình ổn thu nhập, nó tương quan tới thị trường. Còn tài chính họ mua bảo lãnh vốn vay. Rồi đối với mùa màng thiên tai hoặc là thời tiết họ mua gói bảo hiểm mùa màng, họ mua gói bảo hiểm mùa màng thì họ phải được hỗ trợ kỹ thuật để canh tác", bà Sa cho biết thêm.

Những người làm nghề nông, cũng như gia đình họ thường xuyên phải đối mặt với nhiều rủi ro. Nhất là tại các nước đang phát triển như Việt Nam, nơi mà công cụ quản lý rủi ro trong nông nghiệp cần được áp dụng đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ và vừa. Việc này đảm bảo được các rủi ro như được mùa mất giá, xảy ra các thiên tai bất khả kháng người nông dân sẽ không phải bước vào đường cùng, chờ được giải cứu mà chính các nông dân tự tạo cách giải cứu cho mình bằng nhiều hình thức. Do vậy việc tuyên truyền cho người nông dân hiểu đúng, hiểu đủ về các chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, cũng như khuyến khích đã các tổ chức bảo hiểm nông nghiệp tham gia là điều cần thiết trong thời gian tới.

Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 - Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế cập nhật đến sáng 19/2, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19.
Không được chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 - Đó là yêu cầu của các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Ban Chỉ đạo) đặt ra trong cuộc họp sáng 19/2.
Bình luận