Chờ...

Phó Thống đốc NHNN: Ngân hàng phải công khai lãi suất cho vay

VOH - Kết luận hội nghị đẩy mạnh tín dụng do NHNN tổ chức ngày 20/2, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng phải công bố lãi suất cho vay bình quân trên website.

Việc giảm lãi suất là quyền của các ngân hàng thương mại. Nhưng ngân hàng không thể để chênh lệch quá lớn giữa lãi suất đầu vào với lãi suất đầu ra, nhất là khi lãi suất đầu vào đã giảm sâu. Như vậy mới tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Còn việc công bố lãi suất cho vay bình quân, ông Tú cho rằng theo chỉ đạo là ngân hàng phải thực hiện. Ngân hàng nào không công khai việc này thì Ngân hàng Nhà nước, người dân, doanh nghiệp sẽ đánh giá.

"Việc công bố lãi suất cho vay bình quân có gì mà ngại, mà sợ khó khăn. Đây là lãi suất cho vay bình quân chứ không phải là cho vay theo từng đối tượng, từng doanh nghiệp, khách hàng”, ông Tú nói.

Phó Thống đốc NHNN: Ngân hàng phải công khai lãi suất cho vay
Ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại hội nghị - Ảnh: SBV

Tại hội nghị này, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết việc công khai lãi suất cho vay gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, tổng giám đốc Vietcombank cho biết công khai mức lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân thì không có vấn đề gì nhưng đối với khách hàng tổ chức thì khó khăn, bởi việc xác định lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp là dựa trên cơ sở tổng thể lợi ích mà ngân hàng thu được từ doanh nghiệp bao gồm từ huy động vốn, dịch vụ...

Ông Hồ Nam Tiến, tổng giám đốc LPBank đề xuất việc công bố lãi suất cho vay ngắn hạn không vấn đề gì vì đã giảm đáng kể khi dựa trên lãi suất đầu vào với biên độ hợp lý.

Đối với lãi suất cho vay trung - dài hạn, nhất là đối với khoản vay vừa hết thời gian ưu đãi, dù lãi suất cho vay 10,5%/năm nhưng khách hàng vẫn phản ứng.

Về điều hành hoạt động ngân hàng, trong phần kết luận hội nghị, ông Tú nhấn mạnh công tác tín dụng là nội dung trọng yếu trong năm nay.

Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực, chủ động cung ứng vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. Nguồn vốn phải góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và khôi phục nền kinh tế.

Nhưng mở rộng tín dụng phải đảm bảo an toàn, lành mạnh, đúng đối tượng và kiểm soát rủi ro, không hạ chuẩn tín dụng. Không để nợ xấu tăng cao.

Trong năm nay Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ việc triển khai dòng vốn, dòng tiền đi vào lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, hướng vốn vào lĩnh vực ưu tiên, vào lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế.

Bình luận