Chờ...

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

(VOH) - Ngày 11/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Buổi làm việc của Phó thủ với với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, định hướng phát triển của Ủy ban thời gian tới.

Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành chức năng và các chuyên gia nhận định: Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã sớm hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức theo quy định, khẩn trương tiếp nhận quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty từ 5 bộ. Về cơ bản, Ủy ban đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của một cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện đầy đủ quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty.

Quan hệ công tác giữa Ủy ban và các cơ quan quản lý nhà nước trong giải quyết công việc liên quan đến hoạt động doanh nghiệp từng bước định hình rõ hơn. Vai trò cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước của Ủy ban đối với các tập đoàn, tổng công ty đã đi vào nề nếp, theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP

Sau khi chuyển về Ủy ban, 19 tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; tổng giá trị vốn nhà nước được bảo toàn, phát triển; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, một số tập đoàn, tổng công ty đạt kim ngạch xuất khẩu lớn. Các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng yếu của nền kinh tế đã thể hiện rõ vai trò trong góp phần bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế, là công cụ quan trọng để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, ứng phó với những biến động của thị trường, kiềm chế lạm phát, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện chính sách an sinh xã hội…

Lãnh đạo các bộ, ngành và các chuyên gia cũng bày tỏ chia sẻ và đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ, xử lý những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động của Ủy ban, trong đó có có việc tháo gỡ những khó khăn trong việc có một số quy định pháp luật về quản lý, tổ chức hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, sắp xếp đất đai còn có những vướng mắc nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; việc một số quy định chưa được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước…

  Sau khi nghe báo cáo của Ủy ban, phát biểu của các bộ, ngành và các chuyên gia tại cuôc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước là tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước với đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp. Việc thành lập Ủy ban cũng là yêu cầu khách quan, là sự đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế về vận hành kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.

Ủy ban được thành lập đã tập trung, thống nhất, chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xác định được cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty; góp phần quan trọng để các bộ làm tốt hơn nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước, tập trung vào ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật, kiểm tra, thanh tra, giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã nêu lên nhiều ý kiến cụ thể về việc tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện mô hình hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới vừa nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, vừa bảo đảm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; sự phối hợp giữa Ủy ban và các cơ quan chức năng trong tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoàn thiện, xây dựng khung khổ pháp lý cho hoạt đông của Ủy ban; các giải pháp để tiếp tục thúc đẩy sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước…

Bình luận