Chờ...

Qua vụ cháy nhà 6 người chết ở Thủ Đức: Cách phòng ngừa hỏa hoạn mùa nóng như thế nào?

(VOH) - TPHCM đang trong giai đoạn nắng nóng và hanh khô, các gia đình cần có những biện pháp nhất định để phòng ngừa hỏa hoạn.

Chỉ trong vài ngày gần đây, TPHCM liên tiếp xảy ra các vụ cháy tại hộ gia đình, để lại hậu quả nghiêm trọng về người.

Điển hình là vào lúc 01h10 ngày 30/3/2021 xảy ra vụ cháy nhà dân tại địa chỉ 899 đường Nguyễn Thị Định, Phường Cát Lái, TP. Thủ Đức. Vụ cháy làm 6 người chết, cháy hoàn toàn căn nhà cấp 4 có diện tích khoảng 60m2 gồm 5 xe gắn máy và một số vật dụng sinh hoạt.

cháy nhà, cát lái
Cận cảnh căn nhà tại địa chỉ 899 đường Nguyễn Thị Định, Phường Cát Lái bị cháy, không lối thoát, cửa bít bùng (Ảnh: TTO)

Trước đó, vào khoảng 3 giờ ngày 25/3/2021, căn nhà cấp 4 nằm trong hẻm 123 Cao Lỗ, Phường 4, Quận 8 bất ngờ bốc cháy dữ dội. Người dân xung quanh phát hiện hô hoán và tìm cách dập lửa nhưng bất thành. 

Dù Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an Q.8 đã điều động nhiều xe chữa cháy đến hiện trường ứng cứu, dập tắt đám cháy nhưng do nhận được tin báo chậm nên lực lượng Cảnh sát PCCC đã không cứu kịp được 2 vợ chồng chủ hộ và con gái. 

Cũng trong vài ngày qua, tại TPHCM còn xảy ra nhiều vụ cháy như cháy bãi phế liệu ở Ấp 3, Xã Vĩnh Lộc A, Huyện Bình Chánh; cháy xưởng sản xuất cao su ở Ấp 2, Xã Vĩnh Lộc A, Huyện Bình Chánh; hay cháy cỏ khô ở bãi đất gần Khu công nghệ cao P.Tăng Nhơn Phú B, TP. Thủ Đức (TPHCM)… Mặc dù các vụ này không gây thiệt hại về người nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy lan, ảnh hưởng đến khu vực dân cư rộng lớn.

Để phòng ngừa cũng như hạn chế thiệt hại do hỏa hoạn gây ra vào mùa khô, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07) – Công an TPHCM đã đưa ra một số khuyến cáo như sau:

Các biện pháp phòng cháy tại các hộ gia đình

  1. Không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy nơi đun nấu.
  2. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt tránh nhầm lẫn và đổ vỡ.
  3. Ôtô, xe máy, các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt.
  4. Thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu… phải kín. Không để ô tô trong nhà ở phòng ngừa xe tự cháy hoặc khí độc khi nổ máy.
  5. Hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường trần, vách ngăn hạn chế cháy lan.
  6. Không sạc điện thoại, thiết bị tiêu thụ điện ban đêm.
  7. Phải lắp đặt thiết bị tự ngắt (Aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh từng thiết bị điện tiêu thụ công suất lớn, không để hang hóa dễ cháy gần bóng điện (dây dẫn, ổ cắm, thiết bị) sát gần các tường, sàn, trần, vách là các vật liệu dễ cháy.
  8. Khi sử dụng bàn ủi, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người tàn tật, người tâm thần sử dụng các thiết bị điện.
  9. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn các vật liệu không cháy, cách xa vật liệu dễ cháy, hạn chế tối đa việc để vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Chỉ đốt đèn, nến, thắp hương khi có người lớn ở nhà trông coi. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn chóng cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.
  10. Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và khóa van gas.
  11. Nếu đun nấu bằng bếp dầu đổ bấc và thường xuyên được lau chùi sạch sẽ. Trước khi rót thêm dầu vào bếp phải tắt lửa, tuyệt đối không dùng xăng hoặc xăng pha dầu, nhớt để đun bếp dầu, khi đun phải có người trong coi.
  12. Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nới đun nấu, nơi thờ cúng, tắt thiết bị điện không cần thiết.
  13. Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa chốt trong và không được khóa. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra.
  14. Cửa có nhiều khóa nên sử dụng các loại khóa kiểu chìa khác nhau để dễ phân biệt khi mở và quy định nơi chìa khóa dễ lấy, dễ thấy. Các cửa phía trong nhà nên sử dụng loại chốt gạt không nên sử dụng khóa, vẫn đảm bảo chống trộm.
  15. Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của những người nêu trên.
  16. Chuẩn bị sẵn dụng cụ phá vỡ để tạo lối thoát. Không bố trí đồ vật cản trở đường lối, cửa thoát nạn.
  17. Mỗi gia đình nên dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra để thoát nạn an toàn khi cháy. Trang bị dụng cụ trữ nước, xô, thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy và mọi người trong gia đình phải biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.
  18. Khi xảy ra cháy, cần tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện cho Cảnh sát PCCC 114 hoặc đội dân phòng chính quyền, công an xã, phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến. 

Cách thoát hiểm khi có em bé trong trường hợp cháy nhà cao tầng

Kỹ năng thoát hiểm VOH: Tạo dây thoát hiểm khi cháy chung cư

Các biện pháp phòng cháy tại các khu vực đất trống nhà xưởng quanh khu dân cư

  1. Người dân và các công ty, xí nghiệp nên dọn dẹp cỏ rác xung quanh nhà cửa, cơ sở, để vừa đảm bảo vệ sinh môi trường vừa phòng hỏa hoạn.
  2. Đối với các nơi đất còn rộng lại xa khu dân cư, người dân muốn đốt rác nên gom lại một khu đất rộng, xung quanh trống trải rồi đốt; quá trình này cần theo dõi sát, cháy xong phải dập hết tàn lửa, than hồng mới rời đi nơi khác.
  3. Một đám cỏ khô cháy giữa thời tiết hanh khô gặp gió sẽ thêm điều kiện nhanh chóng bùng phát, lực lượng cứu hỏa phải bỏ nhiều công sức, chi phí xăng dầu để dập lửa; hậu quả cũng sẽ rất khó lường nếu gió khiến lửa cháy lan vào nhà dân, kho xưởng, công ty, nhà máy, xí nghiệp...
  4. Đối với các khu dân cư, khu công nghiệp ở TPHCM và các tỉnh thành lân cận, khi vào cao điểm mùa khô thì cây xanh, cỏ xanh trong khuôn viên thường bị khô, rụng. Đây cũng chính là một trong những lý do dễ xảy ra hỏa hoạn bởi chỉ cần 1 điếu thuốc lá cháy dở do người nào đó bất cẩn ném vào hay một mảnh chai thủy tinh hội tụ ánh nắng trưa, đống cỏ rác có người đốt sơ suất không kiểm soát... cũng có thể phát sinh đám cháy v một khi cỏ khô bén lửa sẽ rất khó khống chế nếu không có phương tiện chuyên dụng.

Người dân nên cài đặt ứng dụng Help 114 để báo cháy, nổ, tai nạn, sự cố trên địa bàn TPHCM

Khi cài đặt ứng dụng này, người dân thành phố có thể báo cháy, nổ, tai nạn, sự cố cũng như nhận được thông tin cảnh báo nhanh chóng, kịp thời từ Phòng cảnh sát PCCC&CNCH khi có cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, ứng dụng còn có chức năng cảnh báo vị trí, khu vực đang xảy ra thiên tai (vị trí của người bấm sẽ hiển thị trên bản đồ cả kinh độ, vĩ độ và lực lượng xác định được các trụ nước, đơn vị cấp cứu… trong phạm vi bán kính 5km, 10km, 30km) hoặc sự cố khẩn cấp diện rộng thông qua các hình ảnh, video được cập nhật liên tục và gửi tới điện thoại của người đang sử dụng.

Ứng dụng còn có chức năng gửi thông tin kêu cứu tới người thân và kèm theo vị trí người dùng đến 03 số điện thoại người thân đã lưu trong App, đồng thời tự động quay số gọi điện cho số điện thoại người thân đầu tiên khi bấm nút "SOS người thân".

Khi bấm nút "114", người dân có thể vừa gọi để báo tin cho 114, đồng thời 114 cũng biết ngay vị trí người dân trên bản đồ số theo toạ độ GPS mà không cần phải hỏi họ đang ở đâu.

Khi có ứng dụng Help 114, lực lượng chữa cháy cũng dễ dàng xác minh được thông tin báo sự cố là thật hay giả, nếu là giả thì có thể báo vị trí của đối tượng gây rối cho Công an địa phương để xử lý.

Bình luận