Chờ...

Không cấp phép tàu rời cảng, máy bay vào vùng nguy hiểm do cơn bão số 7 có thể mạnh lên cấp 14

(VOH) - Bộ Giao thông vận tải vừa có công điện yêu cầu các đơn vị chủ động ứng phó cơn bão số 7, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại nếu có.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 7 (bão NALGAE), cảnh báo của cơ quan chuyên môn để chủ động trong công tác ứng phó khi thông tin dự báo cho biết bão có thể mạnh lên cấp 14 trước khi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Không cấp phép rời cảng cho tàu có hành trình đi vào vùng nguy hiểm

Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam tiếp tục chỉ đạo hệ thống đài thông tin duyên hải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thường xuyên cập nhật, xử lý ngay thông tin và thông báo kịp thời diễn biến, hướng di chuyển của bão cho tàu thuyền biết để ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.

Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các cảng vụ hàng hải rà soát, nắm chắc số lượng tàu thuyền thuộc khu vực quản lý; tổ chức kiểm tra, rà soát các khu neo đậu, tránh, trú bão, phối hợp với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương trong công tác hướng dẫn tàu thuyền vào tránh, trú ở các khu neo đậu. 

Phòng tránh bão số 7 (Nalgae): Không cấp phép tàu rời cảng, máy bay hoạt động vào vùng nguy hiểm 1
Ảnh minh họa

Cục Hàng hải Việt Nam quản lý chặt việc rời cảng, bến của tàu thuyền, không cấp phép rời cảng cho tàu có hành trình đi vào vùng nguy hiểm, đặc biệt lưu ý những khu vực đã từng xảy ra các sự cố tàu vận tải khi có bão, lũ; triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống cảng, bến, con người hoạt động trong phạm vi quản lý; Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam duy trì lực lượng, phương tiện chuyên dụng, sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có lệnh.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo các cảng vụ đường thủy tiếp tục rà soát, nắm chắc số lượng tàu thuyền thuộc khu vực quản lý; tổ chức kiểm tra, rà soát các khu neo đậu, tránh, trú bão, phối hợp với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương trong công tác hướng dẫn tàu thuyền vào tránh, trú ở các khu neo đậu nhằm bảo đảm an toàn, đặc biệt là khu vực cửa sông.

Quản lý việc rời cảng, bến của tàu thuyền, không cấp phép rời cảng, bến cho tàu thuyền có hành trình đi vào vùng nguy hiểm; chỉ đạo các đơn vị điều tiết hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông đường thủy ở những vị trí trọng yếu.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ thuộc khu vực chịu ảnh hưởng của bão bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị sẵn sàng ứng phó, khắc phục sự cố đảm bảo giao thông, đặc biệt là trên các tuyến cao tốc, các trục giao thông chính.

Phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương (Công an, Thanh tra giao thông…) tổ chức phân luồng, phân tuyến, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, đứt đường, đoạn đường bị sạt lở… 

Không cho phép máy bay cất cánh, hạ cánh và hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão;

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu chỉ đạo các đơn vị bố trí vật tư, thiết bị và nhân lực ứng trực, sẵn sàng khắc phục hậu quả do mưa, bão gây ra và đảm bảo giao thông thông suốt; tăng cường tuần tra chốt gác các vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: cầu đường yếu, khu vực dễ bị ngập nước, đoạn đường thường có đá rơi, đất sụt…

Có phương án dừng tàu trong khu vực hay xảy ra sự cố ngập nước, lũ quét, đá rơi, đất sụt, có phương án tăng bo, chuyển tải hành khách, hàng hóa trong trường hợp đường sắt bị sự cố.

Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường bảo đảm an toàn bay, không cho phép máy bay cất cánh, hạ cánh và hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão; chỉ đạo các cảng hàng không, sân bay nằm trong khu vực bị ảnh hưởng của bão triển khai ngay các biện pháp bảo vệ phương tiện, công trình nhà ga, kho hàng… để hạn chế thiệt hại do bão gây ra. Căn cứ vào tình hình diễn biến của cơn bão để xem xét dừng khai thác tại một số sân bay nằm trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 7.

Các Sở Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, các Cục Quản lý đường bộ và các đơn vị quản lý, sửa chữa đường bộ, đường sắt tập trung lực lượng, vật tư, thiết bị để triển khai khắc phục phục sự cố do mưa bão gây ra. 
 

Hồi 4 giờ ngày 1/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 116,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 570km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/giờ), giật cấp 13. Dự báo bão có khả năng mạnh thêm trong 12 giờ tới, sau suy yếu dần; trong khoảng 48 đến 72 giờ bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau suy yếu thành vùng áp thấp trên vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông, ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Đến 16 giờ chiều nay bão hoạt động trên khu vực cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 560km về phía Đông Bắc với sức gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 14 và bắt đầu suy yếu dần. Đến 4 giờ sáng ngày 2/11, bão có cường độ cấp 10-11, giật cấp 13, di chuyển hướng Bắc Tây Bắc với vận tốc 10km/h. Sang ngày 3/11, bão còn cấp 7, giật cấp 9 và chuyển hướng Tây Tây Bắc, chếch về phía đảo Hải Nam (Trung Quốc) và suy yếu dần thành vùng áp thấp.

Bình luận