Chờ...

Quốc hội thông qua Luật cảnh vệ mới, bổ sung chế độ cho Thường trực Ban Bí thư và 2 chức danh

VOH - Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh vệ mới, trong đó bổ sung 3 đối tượng cảnh vệ.

Chiều 28/6, với 463/464 đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.

Luật mới bổ sung 3 đối tượng cảnh vệ gồm Thường trực Ban Bí thư, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, bên cạnh các đối tượng cảnh vệ thuộc nhóm con người hiện nay.

Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết quá trình xây dựng luật, nhiều ý kiến nhất trí bổ sung 3 đối tượng cảnh vệ như đã nêu.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung Thường trực Ban Bí thư vì hiện nay đã có đối tượng cảnh vệ là Ủy viên Bộ Chính trị.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình cho biết việc quy định đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo hướng liệt kê là thống nhất với nội dung tại kết luận số 35.

Theo kết luận này, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư…

quochoi14-17195587512761972792286
Quang cảnh phiên họp Quốc hội - Ảnh: Media Quốc hội

Luật hiện hành đã quy định người giữ chức vụ, chức danh Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng là đối tượng cảnh vệ và một người hưởng nhiều chế độ cảnh vệ khác nhau thì người đó được hưởng chế độ cảnh vệ ở mức cao nhất.

Do đó, luật sửa đổi, bổ sung người giữ chức vụ, chức danh Thường trực Ban Bí thư là đối tượng cảnh vệ phù hợp và không mâu thuẫn với quy định tại quy chế làm việc của Ban Bí thư.

Theo Luật Cảnh vệ mới, trong trường hợp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Luật Cảnh vệ.

Theo ông Tới, bên cạnh ý kiến nhất trí, một số ý kiến đề nghị làm rõ tiêu chí, trường hợp cấp thiết, đánh giá sự tương thích về thẩm quyền của bộ trưởng Bộ Công an với quy định của Hiến pháp, đề nghị quy định nội dung này trong nghị định của Chính phủ…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết từ tháng 7/2018 đến nay, bộ trưởng Bộ Công an đã quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với 56 trường hợp không thuộc đối tượng cảnh vệ đã được quy định trong Luật Cảnh vệ.

Việc này để đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc theo đề nghị của các bộ, ngành, cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.

Công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội luôn tiềm ẩn yếu tố bất ngờ, khó lường, đòi hỏi pháp luật phải có những quy định linh hoạt để thuận lợi cho việc thực hiện.

Do đó, luật sửa đổi chỉ quy định khái quát trường hợp, tiêu chí áp dụng là: "Trong trường hợp cần thiết, để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại". Nếu quy định cụ thể, liệt kê trường hợp hoặc tiêu chí áp dụng sẽ khó bảo đảm tính đầy đủ, kịp thời, linh hoạt.

Cũng theo quy định hiện hành, Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, bao gồm cả biện pháp cảnh vệ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Luật sửa đổi, bổ sung quy định Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng cảnh vệ là phù hợp với thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an.

Việc quyết định áp dụng các biện pháp cảnh vệ có liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân nên cần phải được quy định trong luật.

Luật giao bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ cụ thể, không giao ban hành văn bản quy định chi tiết nội dung này là phù hợp với Hiến pháp.

Bình luận