Chờ...

Quốc hội có 3 tân Phó Chủ tịch gồm: ông Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Khắc Định và Nguyễn Đức Hải

(VOH) - Sáng nay 1/4, sau phần bầu các Phó Chủ tịch, Quốc hội đã thảo luận về báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021.

Bầu Phó Chủ tịch Quốc hội

Sau khi thảo luận tại Đoàn, thông qua danh sách, các đại biểu bỏ phiếu kín bầu Phó Chủ tịch Quốc hội. Kết quả kiểm phiếu cho thấy các ông: Trần Thanh Mẫn – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Khắc Định – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Khánh Hoà; Nguyễn Đức Hải – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, đã được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội. Nghị quyết về việc bầu các chức vụ nêu trên được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành là 94,79%. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tặng hoa, chúc mừng 3 tân Phó Chủ tịch Quốc hội vừa được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức vụ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa chúc mừng các Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Khắc Định và Nguyễn Đức Hải.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa chúc mừng các Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Khắc Định và Nguyễn Đức Hải. Ảnh: TTXVN

Báo cáo về công tác của Kiểm toán Nhà nước

Thảo luận tại hội trường về báo cáo về công tác của Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021, các đại biểu cho rằng Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kế hoạch kiểm toán với nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng hoàn thiện cơ chế chính sách, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Trong nhiệm kỳ, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hơn 353 ngàn 700 tỷ đồng; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, 02 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp gần 500 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hơn 700 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.

kỳ họp quốc hội
Sáng 1/4/2021, Quốc hội tiến hành bầu Phó Chủ tịch, thảo luận báo cáo công tác kiểm toán nhà nước

Nhiệm kỳ 2016-2021, số kiến nghị về xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước đã được các đơn vị thực hiện là trên 237 ngàn 500 tỷ đồng, đạt 73,6% tổng số kiến nghị. Như vậy, mỗi 1 năm còn tồn tại khoảng hơn 25% số kiến nghị của kiểm toán đối với xử lý vấn đề tài chính chưa được thực hiện, như vậy trong 5 năm sẽ vượt con số 100% so với 1 năm.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang, đoàn Đắk Nông cho rằng trong nhiệm kỳ tới, báo cáo hàng năm của kiểm toán cần phải nêu rõ hơn về các kiến nghị đối với từng đơn vị cụ thể báo cáo với Quốc hội để có các giải pháp thực hiện đúng quy định của Luật kiểm toán Nhà nước. "Các đơn vị được kiểm toán khi bị kiến nghị về các xử lý vấn đề tài chính cũng như  xử lý các liên quan đến các quy định của văn bản thì đề nghị kiểm toán tổng hợp lại báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội, cũng đề nghị các đơn vị được kiểm toán đã bị chỉ ra các sai phạm về xử lý tài chính mà không thực hiện thì cũng phải có giải trình rõ ràng về việc tại sao không thực hiện các kiến nghị kiểm toán mà luật đã định rồi”,   đại biểu Nguyễn Trường Giang phát biểu.

Còn theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội giải pháp mấu chốt để nâng cao chất lượng kiểm toán là thực hiện kiểm toán độc lập và tăng cường sử dụng công nghệ thông tin. Theo ông Hoàng Văn Cường cần phải sử dụng các tổ chức kiểm toán độc lập để tham gia vào quá trình kiểm toán vì kinh nghiệm các nước trên thế giới, đều sử dụng kiểm toán độc lập để thực hiện các chức năng của kiểm toán. “Nếu sử dụng kiểm toán độc lập thì chúng ta vừa tiết kiệm được nhân sự bộ máy nhưng đồng thời chúng ta hãy thực hiện được một cơ chế giám sát trên dưới và chất độc lập khách quan tốt hơn. Thứ 2 là phải tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong kiểm toán trong Luật kiểm toán cũng đã cho phép kiểm toán là được quyền truy cập khai thác các dữ liệu về điện tử, tôi cho rằng chúng ta cần phải tích cực hơn nữa", đại biểu Hoàng Văn Cường cho ý kiến.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết lý do tại sao mà kiến nghị kiểm toán chưa thực hiện được một cách triệt để hay hàng năm, còn khoảng độ 25% vì có những cái khoản mà kiểm toán Nhà nước đề nghị truy thu hay là đề nghị giảm quyết toán thì những cái phụ thuộc vào nguồn vốn. “Ví dụ, những khoản chi sai chế độ các khoản chẳng hạn như công trình đã quyết toán trả cho nhà thầu rồi kiến nghị cái này chi sai do không phù hợp với định mức không phù hợp với dự toán cũng phù hợp với đơn giá. Tuy nhiên, để thu lại được tiền đấy thì chờ doanh nghiệp nộp tiền thì Ban quản lý dự án mới nộp tiền lại cho Nhà nước hay là các khoản chi sai chế độ thì cũng phải có nguồn để chi trả và một số vấn đề khác”, ông Hồ Đức Phớc thông tin.

Bình luận