Chờ...

Quốc hội xem xét việc bổ sung dự toán Ngân sách Nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài

(VOH) - Sáng 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc bổ sung dự toán Ngân sách Nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên).

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9, sáng 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc bổ sung dự toán Ngân sách Nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên) năm 2020; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021.

quoc-hoi-xem-xet-viec-bo-sung-du-toan-ngan-sach-nha-nuoc-von-vien-tro-khong-hoan-lai-cua-nuoc-ngoai-voh.com.vn-anh1
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại Phiên họp. (Ảnh: Quochoi)

Theo tờ trình, khoản viện trợ 1.431,387 tỷ đồng là khoản phát sinh trong năm 2020 đã được các cơ quan trung ương thực nhận nhưng chưa có dự toán được giao.

Về thẩm quyền quyết định bổ sung dự toán, Chính phủ xác định đây là số tăng thu và thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, để bảo đảm đúng thẩm quyền quyết định, Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự toán thu đối với khoản viện trợ, vì tại khoản 4 Điều 19 của Luật Ngân sách nhà nước quy định thẩm quyền của Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, do vậy, chỉ Quốc hội có thẩm quyền quyết định bổ sung dự toán đối với các khoản chưa có trong dự toán. Về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung dự toán thu, chi ngân sách trung ương nguồn viện trợ nước ngoài (chi thường xuyên) và phân bổ chi tiết số tăng thu năm 2021 là 4.217,777 tỷ đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, đại diện cơ quan thẩm tra, cho biết, việc tiếp nhận và đưa vào sử dụng viện trợ không hoàn lại là cần thiết, hợp lý; không thể chờ có dự toán mới tiếp nhận và thực hiện; đồng thời quản lý chặt nguồn viện trợ: “Khoản viện trợ này thời gian tới Chính phủ cần quản lý chặt hơn…khi tiền về làm thủ tục với Bộ Tài Chính là phải thu viện trợ liền; đồng thời phải trình Quốc hội để bổ sung dự toán. Tôi cho rằng chính xác hơn là Ủy ban thường vụ quốc hội quyết trong số tăng thu hoặc tiết kiệm chi”.

Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên) năm 2020; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021 để đảm bảo các khoản viện trợ không hoàn lại của nước ngoài đủ điều kiện hạch toán, quyết toán ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, các đại biểu chỉ rõ đây là khoản bổ sung dự toán nên cần trình Quốc hội để đảm bảo đúng thẩm quyền. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình: “Khoản này là những khoản rất minh bạch. Những khoản này chủ yếu là thủ tục thôi, mà nó phát sinh nhiều đợt, Ủy ban thường vụ quốc hội cho ý kiến. Rồi khi quyết toán ngân sách thuận lợi hơn. Việc lớn như những việc liên quan đến quyết sách thì trình, chứ còn những cái này phải báo cáo thường xuyên, báo cáo minh bạch, hoạch định chặt chẽ và cuối cùng khi quyết toán ngân sách thì báo cáo với Ủy ban thường vụ quốc vụ thì hợp lý hơn và đúng thẩm quyền nữa”.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính và đơn vị liên quan rà soát chính xác số liệu, cập nhật kịp thời, bổ sung, làm rõ khoản nào là khoản phát sinh thường xuyên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, khoản nào là khoản đột xuất phát sinh? Đồng thời, cần cụ thể các nội dung chi cho các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm công khai, minh bạch và xem xét trách nhiệm, rút kinh nghiệm trong việc chậm phân bổ dự toán; thống nhất số liệu kiểm toán nhà nước, kể cả các khoản phát sinh trong thời gian vừa qua liên quan đến viện trợ nước ngoài có liên quan tới công tác phòng chống dịch Covid-19: “Riêng tất cả các vắc xin, tháng 4 này Kiểm toán có kết quả rồi. Đề nghị Kiểm toán có báo cáo sơ bộ trước, minh bạch, công khai, rõ ràng. Cái nào là từ quỹ, cái nào là từ ngân sách, cái nào là người ta cho, cái nào là đi mua. Cuối cùng cộng lại phải bằng tổng lưu trữ. Sử dụng như thế nào, đưa đi chi tiêu các nơi như thế nào”.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh về việc bổ sung 1.431,387 tỷ đồng dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên năm 2020), Chính phủ cần rà soát số liệu và thống nhất với Kiểm toán nhà nước hoàn chỉnh hồ sơ để trình Quốc hội xem xét bổ sung dự toán thu chi, phân bổ chi tiết cho bộ, ngành, địa phương khi trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Về việc bổ sung 4.217,777 tỷ đồng dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021, Chính phủ cũng phải rà soát, tổng hợp đầy đủ số liệu, thống nhất với Kiểm toán nhà nước hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo lại với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung dự toán phân bổ chi tiết cho bộ, ngành, địa phương. Thời gian trình chậm nhất là trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2022).

Theo chương trình, sáng mai (16/3), Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên 'đăng đàn' giải đáp chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề sản xuất, nhập khẩu, cung ứng, điều hành giá xăng dầu. Đây cũng là phiên chất vấn, trả lời chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, bộ trưởng các bộ Tài chính, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Y tế, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. Buổi chiều cùng ngày, tiếp tục diễn ra phần chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Bình luận