Chờ...

Quỹ phòng thủ dân sự phải đảm bảo tính công khai, minh bạch

(VOH) – Chiều 14/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật phòng thủ dân sự.

Góp ý về Quỹ phòng thủ dân sự của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đồng tình với việc duy trì Quỹ và đề nghị giữ hai phương án trong dự thảo luật để tiếp tục thảo luận, cho ý kiến, trong đó mỗi phương án cần có giải trình cụ thể.

Bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng quy định như phương án 2 có sự linh hoạt hơn. Một số điều cuối liên quan đến các luật khác cũng đề cập đến quỹ, khi sửa các luật khác liên quan đến quỹ cũng cần đề cập đến hai phương án. 

Theo quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh để dễ thực thi trong thực tế nên quy định như trong phương án 2 của dự thảo luật -  tức là khi cần thì Chính phủ thành lập Quỹ.

Quỹ phòng thủ dân sự phải đảm bảo tính công khai, minh bạch 1
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng lập Quỹ phòng thủ dân sự và nguồn vốn căn bản cho quỹ này cần ưu tiên trong 10% ngân sách dự phòng của các địa phương. Nếu được thì nên luật hóa quy định này trong dự thảo.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, cần có Quỹ phòng thủ dân sự để có sẵn nguồn lực dự phòng cho công tác hỗ trợ khi xảy ra thiên tai, địch họa, phục hồi kinh tế sau sự cố, thảm họa. Việc phục hồi cần thu hút nguồn lực rộng lớn, Luật cần có quy định chặt chẽ, khả thi để đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tế.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội về dự án Luật Phòng thủ dân sự, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các cơ quan thẩm định để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật.

Quỹ phòng thủ dân sự phải đảm bảo tính công khai, minh bạch 2
Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương.

Về nội dung liên quan đến Quỹ phòng thủ dân sự, Thượng tướng, Thứ trưởng Nguyễn Tân Cương bày tỏ nghiêng về phương án 1 và cho rằng việc thành lập Quỹ này là cần thiết, phù hợp với Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị.

Nhấn mạnh việc thành lập quỹ là cần thiết, theo thượng tướng Cương, hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, liên quan nhiều lĩnh vực và khi xảy ra thảm hoạ, sự cố gây ảnh hưởng rất lớn.

“Nếu có một nguồn lực trong tay, khi các sự cố xảy ra sẽ có ngay điều kiện để sử dụng, giải quyết những vấn đề cấp thiết” - thượng tướng Cương nói. 

Ông lấy ví dụ thảm họa động đất vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ, một thảm họa lớn như vậy nếu không có nguồn được ngay lúc đầu thì rất là khó có thể giải quyết và đáp ứng được. Các quốc gia, các tổ chức quốc tế có viện trợ vào thì cũng phải mất một thời gian chứ không thể có ngay được. Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương đề nghị nên có một Quỹ thành lập ngay lúc đầu.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu thêm, để tích hợp thêm nội dung của phương án 2 vào phương án 1 để linh hoạt thực hiện. 

Còn việc sử dụng thế nào để quỹ này bảo đảm minh bạch, không trùng lắp với quỹ khác thì cần xây dựng quy chế.

Bình luận