Chờ...

Quyết liệt với lừa đảo qua mạng

(VOH) – Trong phiên chất vấn ngày 4/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cùng giải trình nội dung về an ninh mạng và an toàn thông tin.

Đặt vấn đề chất vấn hội trường, đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An cho biết, gần đây tình hình tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài khoản, giả mạo tin nhắn các ngân hàng qua mạng có chiều hướng gia tăng diễn biến phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực như an ninh mạng, tài chính, ngân hàng, đất đai, công chứng còn sơ hở, thiếu sót, chưa có sự phối hợp chặt chẽ.

Đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh nêu thực trạng gần đây nhiều người dân nhận được các cuộc gọi thông báo mình đã vi phạm pháp luật một số lĩnh vực như giao thông, xây dựng… và yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản hoặc chịu khoản nộp phạt, nếu không thì sẽ chuyển cơ quan điều tra khởi tố.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thời gian vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để định nghĩa rõ các hành vi, quy định rõ quy trình xử lý hành chính, mức phạt để lực lượng công an xử lý. Đây là vấn nạn nan giải không chỉ của Việt Nam mà còn ở các nước.

Bộ cũng đã công khai các đầu số điện thoại để tiếp nhận phản ánh của người dân về vi phạm, ứng dụng công nghệ thông tin để rà quét, ngăn chặn các trang web có dấu hiệu lừa đảo; tập trung xử lý sim rác, xóa khỏi hệ thống những số thuê bao không có thông tin đầy đủ, hoặc thông tin không chính xác, đối soát thông tin qua cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.

Quyết liệt với lừa đảo qua mạng 1
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm các cuộc gọi lừa đảo thường trót lọt do nắm nhiều thông tin của người dân. Có nguyên nhân kỹ thuật và nguyên nhân phi kỹ thuật. Nguyên nhân kỹ thuật là một số tổ chức, doanh nghiệp thu thập thông tin cá nhân chưa đảm bảo an toàn, bị hacker tấn công lấy cắp dữ liệu. Hiện nay trên chợ đen bán dữ liệu Việt Nam, theo báo cáo của ngành công an có đến 1.300 GB, tính ra hàng tỷ thông tin. Nguyên nhân phi kỹ thuật là người dân dễ dãi trong việc cung cấp thông tin của cá nhân mình. Cũng có việc một số doanh nghiệp quản lý nội bộ kém để cho nhân viên dữ liệu lấy thông tin của doanh nghiệp bán ra bên ngoài.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành một bộ cẩm nang về an toàn thông tin, trong đó có một nội dung rất quan trọng về cách thức để người dân bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình. Bộ cũng đã xây dựng một cơ sở dữ liệu về lộ, lọt thông tin thông qua các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế. Hiện nay có 120 triệu thực thể thông tin có thể bị lộ lọt, người dân có thể tra cứu để biết mình có bị lộ lọt thông tin không. Bên cạnh đó, một trong những giải pháp rất tốt là yêu cầu các cơ quan nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp có chăm sóc khách hàng khi muốn tiếp cận người dân, khách hàng thì làm việc với nhà mạng để hiện tên chứ không hiện số điện thoại.

Bộ đã phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý một số vụ mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân để răn đe, truyền thông rộng rãi và thanh tra các nhà mạng toàn diện về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Tham gia giải trình nội dung về an ninh mạng trong sáng 4/11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu 5 nhóm vấn đề tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng. Đó là hành lang pháp lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an ninh mạng chưa hoàn thiện. Quan hệ phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội còn chưa đi vào thực chất mà nặng về hình thức, có tình trạng khoán trắng nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng cho các cơ quan chuyên trách. Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm còn chưa hiệu quả, chưa triệt để mà chưa kịp thời.

Phần lớn các nền tảng dịch vụ, công ty mạng xã hội, ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp nước ngoài hiện không có pháp nhân, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp Việt Nam để triển khai các biện pháp quản lý, phối hợp. Còn nhiều sơ hở trong quản lý các loại hình dịch vụ, lĩnh vực tiềm ẩn những nguy cơ tội phạm.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã nêu một số giải pháp khắc phục tồn tại nêu trên, tham mưu đẩy mạnh các hoạt động của Ban chỉ đạo an toàn, an ninh mạng quốc gia, hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành. Tập trung tham mưu để hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực an ninh mạng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn quản lý nhà nước về an ninh mạng. Nâng cao trình độ, năng lực và quan tâm đầu tư trang bị công cụ, phương tiện nghiệp vụ hiện đại để theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ thế giới cho lực lượng an ninh mạng, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ học hỏi kinh nghiệm trong vấn đề bảo đảm an ninh mạng quốc tế lớn.

Bình luận