Chờ...

Số người chết do tai nạn giao thông trong quý I/2018 tăng

(VOH) - Ngày 30/3, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị toàn quốc về trật tự an toàn giao thông.

Ngày 30/3, tại trụ sở Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT quý I/2018.

Tai nạn giao thông đã giảm

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nêu rõ công tác bảo đảm trật tự ATGT quý I/2018 được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các phương tiện truyền thông nên tình hình trật tự ATGT trên địa bàn cả nước, giao thông trong các đô thị lớn, các đầu mối và tuyến giao thông trọng điểm được duy trì ổn định,

TNGT tuy diễn biến phức tạp nhưng cũng giảm nhẹ về số vụ, số người bị thương so với cùng kỳ, TNGT đường thuỷ, đường sắt giảm sâu.

Tai nạn giao thông đã giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp

Tai nạn giao thông đã giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp (Ảnh: Lao động)

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương những kết quả đạt được của công tác bảo đảm trật tự ATGT của các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước. Trong đó, có 11 địa phương giảm trên 30% số người chết là An Giang, Thái Nguyên, Kon Tum, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Bình Phước, Lào Cai, Phú Yên, Yên Bái, Bắc Ninh và TP. Hải Phòng.

Tuy nhiên, tình hình TNGT vẫn diễn biến phức tạp, số người chết tăng 1,66%, còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng.

Có 27 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2017, trong đó có 14 tỉnh tăng trên 40% là Cà Mau, Tây Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Hậu Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Long An, Quảng Nam, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Quảng Trị, Gia Lai. Đặc biệt, có 3 tỉnh tăng trên 150% là Cà Mau, Tây Ninh, Cao Bằng.

Tình hình ô tô kinh doanh hợp đồng tổ chức hoạt động theo mô hình tuyến vận tải cố định, nhất là việc đón trả khách không đúng nơi quy định sâu trong nội đô Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương khác (xe dù, bến cóc) có xu hướng tăng mạnh, gây mất trật tự ATGT, cạnh tranh bất bình đẳng với dịch vụ xe chở khách với dịch vụ xe cố định. Ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là những ngày giáp Tết.

Những biện pháp để tiếp tục giảm thiểu tai nạn giao thông

Chỉ ra nguyên nhân các hạn chế, yếu kém nêu trên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh một số việc cần làm ngay đối với một số bộ, ngành và địa phương trong quý II.

Theo đó, các cấp, các ngành, địa phương không chờ Thông báo kết luận của Hội nghị này mới triển khai thực hiện, mà tổ chức làm ngay sau Hội nghị trên tinh thần quyết liệt, khẩn trương.

Cụ thể, Uỷ ban ATGTQG ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn trong năm 2018 và Chỉ thị của Thủ tướng về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức về việc thực hiện “đã uống rượu bia, không lái xe” và đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông.

Phối hợp với các bộ, ngành liên quan sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược ATGT đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030 để làm cơ sở bổ sung, điều chỉnh chiến lược ATGT phù hợp với tình hình mới, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2018-2021.

Sơ kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16/NQ-CP của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TPHCM, hoàn thiện dự thảo nghị quyết về bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông, giai đoạn 2018-2021.

“Trong dự thảo Nghị quyết lần này cần có đánh giá, bổ sung những nội dung lớn mà Chính phủ đã nêu tại nhiều hội nghị. Đó là, không cho phép xây dựng nhà cao tầng trong nội đô trung tâm tại Hà Nội và TPHCM nhằm giảm tải hạ tầng đô thị, chỉnh trang đô thị và đầu tư phát triển hạ tầng nội đô là hết sức quan trọng.

Phát triển các đô thị vệ tinh, kết nối hạ tầng, giảm tải cho nội đô, bố trí lại lực lượng dân cư và lao động, ứng dụng công nghệ thông minh trong điều hành giao thông, nghiên cứu xây dựng các chế tài xử lý đủ mạnh, nghiêm khắc để hạn chế TNGT, tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông với sự tham gia hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc các cấp cùng đoàn thể chính trị-xã hội và các cơ quan truyền thông”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ.

Đối với Bộ GTVT, Phó Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm, bổ sung ngay các điều kiện về an toàn kỹ thuật phương tiện, nhất là đối với ô tô kinh doanh vận tải trong nghị định thay thế Nghị định 86/NĐ-CP về kinh doanh vận tải. Kiên quyết đình chỉ đối với lái xe xét nghiệm dương tính với ma tuý.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các dự án xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, như cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh, đường cao tốc Hải Phòng-Hạ Long, Trung Lương-Mỹ Thuận, Mỹ Thuận-Cần Thơ, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM, kể cả nghiên cứu phát triển đường sắt từ TPHCM đi về các tỉnh Tây Nam Bộ. Quản lý và sử dụng có hiệu quả Quỹ bảo trì đường bộ, ưu tiên xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT trên các đường đèo dốc nguy hiểm khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, các điểm giao cắt giữa đường bộ-đường sắt, khắc phục tình trạng cầu hẹp hơn đường trên các tuyến quốc lộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Để cao trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương, người đứng đầu.

“Thấy rõ nguyên nhân rồi thì phải tập trung khắc phục cho được. Đấy là lương tâm, trách nhiệm của người đứng đầu, người có trách nhiệm”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.

Đẩy nhanh tiến độ lắp đặt, vận hành các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định và hệ thống thiết bị thu phí không dừng tại các trạm thu giá, ưu tiên các trạm trên Quốc lộ 1 và địa bàn lân cận Hà Nội, TPHCM. Phối hợp với các bộ, ngành để ban hành quy định về bắt buộc kiểm tra tải trọng tại các đầu mối hàng hoá, kho bãi, bến cảng.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải, nhất là kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hình thức vận tải theo hợp đồng và vận tải khách du lịch bằng ô tô, xây dựng phần mềm quản lý ô tô kinh doanh vận tải và ứng dụng internet và điện thoại thông minh.

Đối với Bộ Công an, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị Chính phủ xây dựng Nghị định quy định về thống kê, báo cáo, chia sẻ dữ liệu TNGT; tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư; ưu tiên xử lý vi phạm giao thông trên các tuyến cao tốc, vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện; phối hợp với ngành GTVT xây dựng các phương án phân luồng, xử lý các trường hợp ùn tắc giao thông, rà soát sửa đổi, bổ sung các phương án phân luồng giao thông khu vực Thủ đô Hà Nội và TPHCM với các địa phương lân cận; nghiên cứu các tiêu chí đánh giá ùn tắc giao thông, điều tiết phân bổ kinh phí hỗ trợ công an một số địa phương có nguồn thu khó khăn để chi cho công tác này.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tư pháp và Bộ Công an có giải pháp xử lý đối với phương tiện giao thông bị tạm giữ để xử phạt hành chính nhưng chủ xe không đến giải quyết, bỏ luôn phương tiện. Hiện nay, công an các quận, huyện đang tạm giữ một số lượng lớn phương tiện loại này, gây lãng phí và công sức của nhiều lực lượng. “Việc này, tôi đã giao cho các bộ hơn 2 năm qua mà các bộ chưa làm xong”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhắc nhở.

Ban An toàn giao thông các tỉnh chỉ đạo Ban An toàn giao thông các quận, huyện triển khai thực hiện Công điện của Thủ tướng về bảo đảm trật tự ATGT đợt nghỉ lễ 30/4-1/5. Đồng thời, tập trung kiểm tra, siết chặt kỷ cương công tác đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe, quản lý an toàn kỹ thuật và môi trường đối với phương tiện cơ giới đường bộ, phương tiện thuỷ nội địa, tổ chức lại các tuyến xe khách liên tỉnh trong cự ly 80-100 km theo mô hình quản lý xe buýt, kết nối với mạng lưới xe buýt trong nội thành; tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 33/CT-TTg của Thủ tướng về bảo vệ hành lang giao thông đường bộ, đường sắt, lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, lề đường các khu vực đô thị; sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ để xử lý “điểm đen” về TNGT, chú trọng sơn vạch tim đường, làm gờ giảm tốc, biển cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính; tiếp tục nhân rộng các mô tự quản tại các điểm giao cắt không có rào chắn.

Các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, phản ánh tích cực về công tác bảo đảm trật tự ATGT, tăng cường hoạt động giám sát trong cộng đồng như tình trạng “xe dù, bến cóc” lộng hành, xe chở quá tải...

Bình luận