Chờ...

Sốt xuất huyết đang vào cao điểm

(VOH) - Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP, từ đầu năm đến nay, TP có hơn 8.600 trường hợp mắc sốt xuất huyết tăng 7% so với cùng kỳ.

Hiện nay bình quân có khoảng 339 trường hợp nhập viện điều trị nội trú mỗi tuần. Ghi nhận của chúng tôi tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP – nơi điều trị sốt xuất huyết người lớn và khoa sốt xuất huyết – Bệnh viện Nhi đồng 1 thì bệnh nhập viện do sốt xuất huyết bắt đầu tăng từ 10 đến 15% so với tháng trước.

Dịch bệnh sốt xuất huyết tiếp tục phức tạp khi mưa rộ hạt. Thêm vào đó, các chuyên gia y tế cảnh báo với kiểu thời tiết nắng nóng gắt vào buổi sáng nhưng mưa vào chiều tối sẽ tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho muỗi sinh sôi nảy nở.

Cảnh báo tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn TPHCM, phóng viên Đài TNND TPHCM (VOH) phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP. 

*VOH: Thưa bác sĩ, chúng ta cần lưu ý gì trong thời tiết hiện nay, đặc biệt với những dịch bệnh nguy hiểm, khả năng gây tử vong cao ?

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng: Hiện nay mùa mưa đã bắt đầu sớm hơn những năm trước trên bối cảnh dịch bệnh sốt xuất huyết đang lưu hành tại miền Nam, TPHCM. Các bệnh do muỗi truyền khác phải kể đến bệnh do vi rút Zika hay viêm não Nhật Bản có thể xuất hiện đặc biệt ở những vùng có mầm bệnh. Đó là những bệnh cần lưu ý trong mùa này.

* VOH: Trước tình hình sốt xuất huyết tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang phức tạp thì tại TPHCM sốt xuất huyết hiện như thế nào? Bác sĩ có thể cho biết về số trường hợp nhập viện cũng như tình hình có tăng hơn năm trước không?

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng: Với bệnh sốt xuất huyết, 5 tuần trở lại đây bệnh có dấu hiệu gia tăng. Điểm thấp nhất vào tuần 20 có khoảng 200 ca bệnh/tuần thì hiện nay tăng dần, trong tuần vừa rồi có 339 trường hợp mắc sốt xuất huyết nhập viện.

Tổng số ca đến hiện giờ hơn 8.600 ca nhập viện, tăng 7% so với cùng kì. Biểu đồ bệnh cho thấy sốt xuất huyết đã vào mùa. Dù bệnh diễn tiến theo chu kì bệnh giảm vào mùa khô, tăng vào mùa mưa tuy nhiên năm nay bệnh tăng sớm.

So với những năm trước tuần 32 là dịch bệnh sẽ tăng nhưng năm nay sớm hơn 4 đến 5 tuần, từ tuần 30 thì sốt xuất huyết đã tăng và đi vào mùa dịch. Tình hình này cũng giống các tỉnh thành khác ở miền Nam, miền Trung hay miền Bắc.

Sốt xuất huyết hiện tăng liên tục trong bối cảnh thời tiết nắng nóng buổi sáng, mưa buổi chiều là điều kiện vô cùng lí tưởng cho muỗi sinh sôi. Nếu với kiểu thời tiết này thì chỉ trong vòng 1 tuần, trứng sẽ nở thành muỗi khả năng sinh sản rất nhanh. Bối cảnh như thế nếu không có biện pháp khống chế kịp thời, tổng lực ở tất cả địa phương thì nhiều khả năng sốt xuất huyết còn lên nhanh hơn trong thời gian tới.

Phun thuốc diệt muỗi trên địa bàn TPHCM

* VOH: : Thưa bác sĩ, khó khăn trong phòng chống sốt xuất huyết với mô hình sốt xuất huyết đô thị như TPHCM trong những năm qua là gì?

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng: Trong thời gian qua bên cạnh các giải pháp thường quy, giải pháp mang tính căn bản lâu dài mà trước giờ chúng ta vẫn áp dụng là kiểm soát véc tơ truyền bệnh, là biện pháp diệt lăng quăng rồi phun hóa chất diệt muỗi. Đó là biện pháp không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác đã áp dụng.

Qua đánh giá của các nhà chuyên môn, biện pháp này mang tính tương đối. Trong bối cảnh đó, ở TPHCM đặt ra mô hình làm sao chúng ta kiểm soát được điểm nguy cơ, là những điểm phát sinh muỗi, lăng quăng trong cộng đồng. Đây là biện pháp hết sức căn cơ trong bối cảnh chúng ta chưa có vắc xin, chưa có những biện pháp hữu hiệu khác để kiểm soát véc tơ truyền bệnh thì điểm nguy cơ phải kiểm soát cho bằng được.

Vấn đề này chúng tôi đã đặt ra ngay từ đầu năm, tuy nhiên, trong quá trình triển khai làm sao giải quyết triệt để điểm nguy cơ rất là khó khăn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, ban ngành với người dân thì điểm nguy cơ mới được xử lí tốt nhất.

Chúng ta biết điểm nguy cơ là những nơi có chứa nước, phát sinh muỗi và lăng quăng thì khi mưa xuống với điều kiện kinh tế xã hội hiện nay và ý thức cộng đồng nó sẽ tạo ra những điểm nguy cơ cho muỗi sinh sản. Làm sao phát hiện sớm, xử lí triệt để không phát sinh muỗi thì chúng ta mới giải quyết được tình hình này.

* VOH: Cám ơn bác sĩ !

Bình luận