Chờ...

Sử dụng Quỹ dự phòng để chi cho các cơ sở khám chữa bệnh

(VOH) - Nhiều tỉnh thành đã bội chi Quỹ Bảo hiểm Y tế, trong đó 10 tỉnh thành đã vượt 100% Quỹ này.

Theo báo cáo về tình hình thực hiện thu chi Ngân sách Nhà nước năm 2017 mà Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp lần này, đến hết tháng 9 vừa rồi, đã có 53 tỉnh thành bội chi Quỹ Bảo hiểm Y tế, trong đó 10 tỉnh thành đã vượt 100% Quỹ này.

Nguyên nhân bước đầu được Bộ Y tế chỉ ra là điều chỉnh giá dịch vụ, việc thông tuyến trong khám chữa bệnh giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ y tế hiện đại… Tuy nhiên, chỉ từng đó nguyên nhân có khiến cho tình trạng bội chi Quỹ bảo hiểm y tế cao đến như vậy?

Thông tuyến trong khám chữa bệnh được coi là một trong những lý do khiến bội chi BHYT (Ảnh: Báo Đầu tư)

Bên hành lang Quốc hội, phóng viên Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM phỏng vấn ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy bạn các vấn đề xã hội của Quốc hội về việc kiểm soát tốt, tránh bội chi Quỹ Bảo hiểm y tế trong thời gian tới.

* VOH: Nhìn lại thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông đánh giá ra sao về nguyên nhân bội chi của Quỹ bảo hiểm y tế hiện nay?

- Ông Bùi Sỹ Lợi: Nguyên nhân bội chi như chúng ta đều biết đó là do việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, trong đó có tính tiền lương vào giá dịch vụ y tế làm cho gia tăng chi phí khám chữa bệnh. Thứ hai là do tác động của quy định thông tuyến khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế. Khi thông tuyến, người dân sẽ tiếp cận tốt hơn với các cơ sở khám chữa bệnh nhưng sẽ dẫn đến việc chi phí gia tăng…

Việc giao chi phí của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho các tỉnh với số lượng thấp hơn nhiều so với nhu cầu khám chữa bệnh thì đương nhiên có 53 tỉnh, thành phố bội chi.

* VOH: Bảo hiểm xã hội Việt Nam từng chỉ ra hiện tượng lạm dụng quỹ tại một số cơ sở y tế. Qua việc thanh kiểm tra thực tế của Bộ y tế, ông thấy vấn đề này như thế nào?

- Ông Bùi Sỹ Lợi: Qua kiểm tra những trường hợp được cho là lạm dụng mà Bảo hiểm xã hội xảy ra ở các cơ sở khám chữa bệnh thấy rõ nhất là việc chỉ định xét nghiệm quá mức cần thiết, đặc biệt như trong sản khoa. Chúng tôi cũng có yêu cầu thống kê, kiểm tra và phát hiện rất nhiều cơ sở khám chữa bệnh chỉ định đến 8 xét nghiệm, thậm chí có nơi là 11 - 12 xét nghiệm bình quân cho một hồ sơ bệnh án.

* VOH: Cần phải có biện pháp như thế nào để ngăn chặn tình trạng này thưa ông?

- Ông Bùi Sỹ Lợi: Để ngăn chặn tình trạng chỉ định xét nghiệm quá mức cần thiết, tôi thấy Bộ Y tế đã có kế hoạch liên thông xét nghiệm để các cơ sở khám chữa bệnh sử dụng kết quả xét nghiệm của nhau, tránh phải làm nhiều xét nghiệm. Thêm vào đó, để kiểm soát, không chỉ định nhiều xét nghiệm không thật cần thiết, Bộ Y tế cũng đã xây dựng các quy trình chuyên môn cụ thể cho từng trường hợp để bác sĩ căn cứ vào các quy trình này để chỉ định xét nghiệm phù hợp.

* VOH: Nhiều đại biểu cho rằng, có trường hợp Bảo hiểm xã hội từ chối thanh toán là đúng nhưng cũng có những trường hợp lại áp dụng Luật quá cứng nhắc. Ông có đồng tình với vấn đề này?

- Ông Bũi Sỹ Lợi: Thứ nhất, nói về tình trạng tạm ứng thanh toán, quyết toán chậm, treo… quan điểm của Bộ Y tế cũng như của Thủ tướng Chính phủ là phải sử dụng ngay Quỹ dự phòng để chi cho các cơ sở khám chữa bệnh chứ không treo lại.

* VOH: Cảm ơn ông.

Bình luận