Chờ...

Sửa Luật Đấu thầu: Phải gỡ vướng để người bệnh không thiếu thuốc

(VOH) - Trước khi kết thúc phần thảo luận về Luật Đấu thầu (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Về tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế khiến cho tình trạng thiếu thuốc xảy ra thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Luật đã thiết kế chương có quy định về vấn đề này và cũng có một số điều khoản ở các chương khác quy định những vấn đề liên quan đến y tế. Bộ sẽ rà soát lại để đầy đủ, bao quát tạo thuận lợi trong quá trình mua sắm các trang thiết bị y tế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Trước đó, trong phần thảo luận, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) nêu dự thảo luật có một số điều đề cập đến lĩnh vực đấu thầu thuốc, nhưng chưa đầy đủ, cần xem xét lại những vấn đề này, đa dạng hoá phương thức để có được hàng hoá, dịch vụ; có được thuốc cho người bệnh. "Cần có cách giải quyết đặc biệt để có thuốc phục vụ điều trị cho bệnh nhân, không để bệnh nhân phải chờ đợi"

Phản hồi cho đề xuất chương riêng về đấu thầu trong lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cần phải cân nhắc bởi nếu có chương riêng sẽ phá vỡ kết cấu chung của luật và hệ thống pháp luật. Bởi vì không phải chỉ có lĩnh vực y tế mới có đặc thù đặc biệt mà còn nhiều lĩnh vực cần đặc thù, đặc biệt kể cả trong giáo dục đào tạo, trong thiên tai địch họa, chiến tranh, quốc phòng an ninh…

Làm rõ quy định áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nếu chỉ được áp dụng đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thì đối với những doanh nghiệp dưới 100% cho đến 01% đến 99% lại không quản, lại buông hết thì không phù hợp. Mặt khác nếu quy định từ 65% trở lên thì không đúng với khái niệm của doanh nghiệp nhà nước và tạo ra một khoảng trống pháp luật đối với những doanh nghiệp có từ 50 đến 65% vốn nhà nước. Bộ trưởng đề nghị được giữ như quy định là từ trên 50% vốn trở lên để kiểm soát. Còn dưới 50% thì thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Xem thêm: Luật Đấu thầu (sửa đổi): Khắc phục tình trạng gian lận thông thầu

Để khắc phục tình trạng gian lận thông thầu, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, dự thảo Luật cũng đã đưa ra rất bổ sung, quy định rất nhiều các quy định để tránh hiện tượng này. Bổ sung hoàn thiện các quy định về hồ sơ mời thầu để làm sao chống hiện tượng cài cắm tiêu chí; đẩy mạnh đấu thầu qua mạng để đảm bảo tính công khai, minh bạch...

Bình luận