Chờ...

Tai nạn giao thông - nỗi đau người ở lại

(VOH) - Mỗi một vụ tai nạn giao thông xảy ra đều để lại hậu quả và nỗi đau cho những người trực tiếp là nạn nhân và gia đình của họ.

Mỗi năm ở nước ta có hàng ngàn người tử vong do tai nạn giao thông. Riêng tại TP.HCM, dù vài năm trở lại đây, số người tử vong do tai nạn giao thông đã được kéo giảm, nhưng trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 600 người chết vì tai nạn giao thông. Do đó, còn tai nạn giao thông là còn thương vong, mất mát và hậu quả của nó để lại cho gia đình và xã hội là vô cùng lớn, không thể đong đếm hết được.

Vì tai nạn giao thông, nhiều gia đình đã mất đi người thân của mình, có trường hợp người mất cũng là lao động chính, là trụ cột trong gia đình. Trụ cốt gia đình mất đi kéo theo nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nợ nần, cùng kiệt về tinh thần lẫn vật chất.

Hàng năm, lãnh đạo TPHCM luôn tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, chia sẻ và động viên những gia đình nạn nhân tai nạn giao thông có còn hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đồng hành với đoàn qua nhiều năm, tiếp xúc và gặp rất nhiều trường hợp tai nạn giao thông và gia đình của họ. Qua mỗi trường hợp là một câu chuyện, một hoàn cảnh mà đôi khi đâu đó xung quanh chúng ta có thể bắt gặp. Tất cả họ đều có chung nỗi đau là mất đi người thân của mình vì tai nạn giao thông.

Ông Nguyễn Ngọc Tường (bìa phải), Phó Ban chuyên trách Ban ATGT TPHCM  thăm gia đình anh Tôn Thất Tùng  ở ấp 2, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn giao thông tử vong.

Khi tiếp xúc với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn mà người thân của họ không may tử nạn trong các vụ tai nạn giao thông, chúng tôi không khỏi xót xa trước những hoàn cảnh éo le của họ, như trường hợp anh Phạm Minh Tâm, 32 tuổi, làm nghề tài xế, ngụ ở xã Long Hòa, huyện Cần Giờ. Anh Tâm là con trai duy nhất trong gia đình, đồng thời là lao động chính lo kiếm tiền phụng dưỡng ba, mẹ già. Cái chết của anh sau vụ tai nạn giao thông là nỗi đau dai dẳng với gia đình.

Lá xanh rụng trước lá vàng, cuộc sống của ba, mẹ anh giờ là chuỗi ngày buồn bã, tiếc thương về sự ra đi của anh. Ông Phạm Minh Hồng, ba của anh Phạm Minh Tâm bùi ngùi kể lại: Nó về thăm gia đình. Có thằng bạn rủ về nhà chơi, đi trên đường bị đụng xe. Nó có thằng con trai lớn trong nhà, giờ tôi già, tôi bệnh. Còn một đưa gái nhỏ làm nuôi chứ không ai nuôi nữa.

Một trường hợp đau thương khác, tai nạn giao thông bất ngờ xảy đến với gia đình nhỏ của anh Trần Thanh Quang, 36 tuổi, làm bảo vệ tại một trường tiểu học gần nhà ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ. Vụ tai nạn giao thông vào một buổi chiều, sau giờ tan ca đã khiến anh ra đi mãi mãi, để lại người vợ và 2 đứa con nhỏ, con trai lớn 14 tuổi và con gái nhỏ mới 6 tuổi. Chị Nguyễn Thị Kim Luận, vợ anh Quang kể lại trong nước mắt về nỗi mất mát quá lớn này: “Ảnh bị té vô cột điện rồi chở vào bệnh viện An Nghĩa. Vào là bệnh viện nói tắt thở rồi. Đi làm về, bữa đó nếu đi làm đúng là 5 giờ kém về, nhưng bữa đó học trò thi vở sạch chữ đẹp nên ảnh về trễ là sau đó xảy ra tai nạn”.

Cũng vì tai nạn giao thông mà cuộc sống bình dị của đôi vợ chồng già bà Đặng Thị Nên và ông Nguyễn Văn Mãi một hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè bỗng chốc thay đổi. Dù cuộc sống nghèo khó, nhưng hai vợ chồng vẫn nương tựa nhau mà sống qua ngày. Ông Mãi như thường ngày sau khi xong ca trực bảo vệ ở khu công Nghiệp Hiệp Phước thì đạp xe trở về nhà. Rồi bỗng một hôm trên đường đi làm về thì tai nạn ập đến bất ngờ với ông, ông Mãi bị một chiếc ô tô tông vào và tử vong. Nhận được tin chồng bị tai nạn mất, bà như không tin vào tai mình, cuộc sống vốn đã khó khăn, việc ông ra đi mãi mãi đã làm cho bà Nên suy sụp và gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt,

“Ổng là trụ cột chính trọng nhà, với tôi giờ già yếu nữa. Ông mất tui suy sụp lắm”, bà Nên buồn bã nói.

Chúng tôi không khỏi nghẹn lòng, khi nghe chị Trần Thị Bé, ở xã Quy Đức, huyện Bình Chánh kể về vụ tai nạn thương tâm đã cướp đi người chồng tảo tần, trụ cột lao động chính trong gia đình chị. Trong lúc trên đường trở về nhà sau một ngày lao động vất vả, tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của anh. Kể từ ngày anh mất, gia đình chị Bé rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau để rồi người con gái lớn 16 tuổi của anh chị đang trong tuổi cắp sách đến trường đành phải bỏ học để đi làm thêm phụ giúp gia đình. Cái nghèo, cái khổ đeo đẳng gia đình chị Bé từ khi chồng vĩnh viễn ra đi vì tai nạn giao thông.

Chị Bé gục đầu kể lại trong đau đớn: “Ổng mất rồi, gia đình khó khăn quá, con phải nghỉ học và đi làm tiệm bánh. Tháng nó làm có 1,8 triệu đồng để giúp mẹ con sống qua ngày. Giờ ông mất rồi, phải chịu thôi, con phải đi làm. Ông làm thợ hồ ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn, giờ ông mất rồi. Hết luốn rồi! tôi thì giờ 60 tuổi, không biết làm gì hơn phải nhờ các con”.

Hàng ngày, vì một phút chủ quan lơ là khi điều khiển phương tiện thì cũng chính là nguyên nhân và là mối hiểm họa tai nạn giao cho mỗi người. Tai nạn giao thông không chừa một ai. Nhưng xót xa nhất là khi nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông là các em nhỏ. Một trong những trường hợp xót xa như vậy mà chúng tôi có dịp tiếp xúc là gia đình của em Nguyễn Văn Toàn, ngụ ở xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ.

Năm nay Toàn 15 tuổi, cái tuổi đang cắp sách đến trường với nhiều ước mơ hoài bão, nhưng cũng vì vụ tai nạn giao thông lúc em vừa lên 4 đã cướp mất đôi chân của em. Cả một quãng thời gian dài cho đến mai sau, tất cả hoạt động đi lại của em đều phải nhờ người thân hỗ trợ. Việc vui chơi chạy nhảy tung tăng như các bạn cùng trang lứa đối với Toàn giờ chỉ là một niềm ao ước xa vời.

Bà Nguyễn Thị Lan, mẹ của em Nguyễn Văn Toàn kể lại: “Để nó ngồi lên xe đạp, xe đấy chạy quá trớn, đến cháy bánh luôn. Nó tông tới nát bàn chân, nát xương luôn. Nằm bệnh viện mấy tháng trời. Người ta đền có 3 triệu để uống sữa thôi. Nhà mình nghèo dữ lắm, mình không tiền thì mình buông tay.”

Tai nạn giao thông là kẻ thù, là nỗi đau, là mất mát, là “kẻ phá hủy” cuộc sống, ước mơ của bao người. Mỗi một vụ tai nạn giao thông xảy ra đều để lại hậu quả và nỗi đau cho những người trực tiếp là nạn nhân và gia đình của họ. Những vụ tại nạn giao thông bất ngờ xảy đến như trường hợp của em Toàn, anh Tâm, hay chồng chị Bé,…gây nên những hậu quả đau thương và mất mát lớn cả về tinh thần và vật chất.

Cái chết không báo trước của anh Tâm, ông Mãi hay chồng chị Bé,…mà chúng tôi kể chỉ là vài trường hợp trong hàng trăm trường họp tử vong do tai nạn giao thông tại TP.HCM. Nếu tính trên cả nước thì con số này lên đến hàng ngàn trường hợp. Đó là mất mát quá lớn cho không chỉ mỗi gia đình có người thân tử nạn do tại nạn giao thông mà còn là nỗi đau chung của cả xã hội,… Mỗi trường hợp là một câu chuyện về cuộc sống, mà đâu đó nó rất gần với mỗi chúng ta. Do đó, rất cần sự chung tay của tất cả mọi người và toàn xã hội trong việc hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ với các nạn nhân tai nạn giao thông, đặc biệt là với các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.

Tai nạn giao thông đang là mối hiểm họa cho mọi người, do đó, cần phải có thêm những hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ hơn nữa đối với những người vẫn còn xem thường sự sống phía trước tay lái.

Bình luận