Chờ...

Thành phố Hồ Chí Minh thu hút nhân tài bằng sự nghĩa tình

(VOH) - Thành phố Hồ Chí Minh còn là nơi đi đầu trong những hoạt động khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo với những người trẻ, những start-up… tạo ra giá trị cho xã hội.

Với nhiều nhà khoa học, nhiều giảng viên trẻ mà VOH có dịp được gặp gỡ tại các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn Thành phố, họ đều được học tập, nghiên cứu, tiếp thu tinh hoa xứ người và chọn con đường trở về Việt Nam – cụ thể là Thành phố Hồ Chí Minh như một lẽ dĩ nhiên: đó là quay trở về để được cống hiến.

Thành phố Hồ Chí Minh – thu hút nhân tài bằng sự nghĩa tình 1
TS Hà Thị Thanh Hương (trái) trong ngày nhận nhiệm vụ trưởng bộ môn kỹ thuật mô và y học tái tạo - Ảnh: TTO

Câu chuyện trở về của Tiến sĩ trẻ Hà Thị Thanh Hương sau hành trình học tiến sĩ tại Đại học Stanford (Mỹ) là một sự lựa chọn được xác định ngay từ lúc bắt đầu: nghiên cứu lĩnh vực thần kinh học, trở về nước để theo đuổi và phát triển lĩnh vực mới mẻ này tại Việt Nam.

Sinh năm 1989, Thanh Hương là người Việt Nam đầu tiên và là 1 trong 15 nhà nghiên cứu trẻ nhận được giải thưởng Early Career Award của tổ chức quốc tế nghiên cứu về thần kinh (Pháp) năm qua. Hiện Thanh Hương là Trưởng bộ môn kỹ thuật mô và y học tái tạo, Khoa kỹ thuật y sinh Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Nói về thu nhập, chắc chắn sẽ không cao so với ở nước ngoài. Khi mình làm khoa học, giá trị đem lại không chỉ là đồng lương mà còn là chuyện mình có thể theo đuổi được đam mê, mình hoàn toàn tự do về mặt học thuật.”

Năm qua, có thể nói là một năm khá trọn vẹn với Võ Thanh Sang khi nhà khoa học trẻ sinh năm 1986 này gặt “trái ngọt” sau nhiều năm gắn bó với Thành phố. Tân Phó Giáo sư Tiến sĩ Võ Thanh Sang chia sẻ, “thân thuộc” – chính là cảm giác của anh khi trở về làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tốt nghiệp cử nhân Sinh học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó học Thạc sĩ và Tiến sĩ chuyên ngành Hóa sinh tại Trường Đại học Quốc gia Pukyong, Hàn Quốc. Thanh Sang bày tỏ, mình nghĩ làm ở nước ngoài, hay ở Việt Nam đều như nhau cả. Quan trọng là ở bản thân, mình phải cố gắng, thì ở đâu cũng sẽ là cơ hội tốt cho mình:

Khi về nước, Sang chọn Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là nơi mình cảm thấy quen thuộc vì ngày trước mình học ở đây. Ở đây mình còn có cơ hội để hợp tác giao lưu với nhiều anh chị ở các trường đại học khác trên địa bàn thành phố, cùng trao đổi với nhau, phát triển thêm về hướng nghiên cứu của bản thân”.

Hiện Phó Giáo sư Tiến sĩ Võ Thanh Sang làm việc tại Viện Công nghệ cao NTT – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Hướng nghiên cứu chủ yếu là nghiên cứu hoạt tính kháng viêm dị ứng và kháng đái tháo đường của các hợp chất thiên nhiên từ tảo và thực vật, làm cơ sở khoa học để phát triển các sản phẩm có thể bảo vệ sức khỏe cộng đồng. 

Thành phố Hồ Chí Minh – thu hút nhân tài bằng sự nghĩa tình 2
TS Nguyễn Đình Uyên tại Phòng thí nghiệm siêu cao tần đặt tại Khoa Điện tử Viễn thông Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM. 

Khát vọng trở về nước để cống hiến và làm điều gì đó cho quê hương, với nhiều người đó là quá trình chuẩn bị lâu dài và kỹ càng cho một khởi đầu hoàn toàn mới lạ, khi quyết định trở về. Với Tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên, nguyên kỹ sư NASA (Mỹ) đó là một sự thôi thúc mãnh liệt trong tâm trí ông về nguồn cội.

Cuối tháng 7 năm 2008, Tiến sĩ Đình Uyên rời Mỹ, bỏ lại tất cả vinh quang của một công việc bao người mơ ước để bắt đầu một hành trình mới cho sự trở về tại Việt Nam, đó là đi dạy học: “Tôi đã từng công tác và dạy học ở trường đại học tại Mỹ. Sau nhiều năm ở Mỹ, tôi rất mong ước có một ngày về lại quê hương giảng dạy. Tôi đã trở về Việt Nam nhiều lần, đi tìm hiểu nhiều trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cuối cùng, tôi quyết định chọn trường Đại học Quốc tế vì cơ sở vật chất của trường này không thua trường nào ở Mỹ”.

Không chỉ là nơi trải thảm đón nhân tài, Thành phố Hồ Chí Minh còn là nơi đi đầu trong những hoạt động khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo với những người trẻ, những start-up… Ba năm trở lại đây, những hoạt động của cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Thành phố đã diễn ra sôi động hơn rất nhiều và các công ty khởi nghiệp công nghệ đã có sự chuyển mình mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố từng nhìn nhận: Thành phố đi đầu trong câu chuyện xây dựng nhiều chính sách để thúc đẩy cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Thành phố. Hoạt động này cũng giúp cải thiện được chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong suốt 5 năm qua.

Từ đầu nhiệm kỳ, Việt Nam đứng hạng 59 trên thế giới theo bảng xếp hạng GII của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, đến nay Việt Nam đã lên tới hạng 42, đứng trong Top 3 của khu vực. Điều đó cũng cho thấy là các hoạt động đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ của Thành phố có nhiều đóng góp lớn trong hoạt động khoa học công nghệ chung của cả nước.”

Lý giải về các giá trị văn hóa trong tính cách con người Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, theo Thạc sĩ Huỳnh Văn Sinh – Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, đặc trưng tính cách người Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh có thể nhìn thấy những biểu hiện : năng động, linh hoạt, sáng tạo, luôn có tính “mở” và trọng tính thực tế:

“Nói về trọng nghĩa khinh tài, nếu ngày xưa người ta vào đây bằng tình cảm với nhau thì ngày nay Thành phố chúng ta năng động sáng tạo hơn nhờ một nền kinh tế thị trường, kinh tế hàng hóa phát triển sớm nhất nước và nay trở thành trung tâm kinh tế đầu tàu của cả nước.

Tính trọng nghĩa khinh tài càng thay đổi hơn, cụ thể là những người đi trước dìu dắt những người đi sau, không nói suông mà bằng những hành động cụ thể, giúp nhau khởi nghiệp. Thành phố cũng là trung tâm của khởi nghiệp. Chính cái nghĩa cái tình đó sẽ kéo theo những hành vi văn hóa khác, tạo ra giá trị văn hóa mới cho Thành phố này”

Trong đó, vùng đất nơi đây luôn có tính “mở” trong quan hệ cộng đồng, đoàn kết ngay từ lúc đặt chân lên vùng đất này để cải tạo môi trường, “bán anh em xa mua láng giềng gần” hay “tối lửa tắt đèn có nhau”.

Trong "cái mở" của người Sài Gòn xưa và nay là Thành phố Hồ Chí Minh về chiều sâu, luôn thể hiện tính phóng khoáng, hiếu khách, trọng nghĩa khinh tài và đến ngày nay nó trở thành bản chất sống “mở” của người Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.

Chính sự tổng hòa trong tính cách người Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh và quá trình kiến tạo nên bản sắc, không gian văn hóa Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh trong hơn 320 năm qua đã làm nên một vùng đất nghĩa tình, để dù ai đi xa cũng thôi thúc muốn trở về.

Bình luận