Chờ...

Thị thực điện tử - Cánh cửa mở cho du lịch Việt Nam

(VOH) - Từ hôm nay 1/2, Việt Nam sẽ thực hiện thí điểm việc cấp thị thực điện tử (E-visa) cho người nước ngoài nhập cảnh vào nước ta. Đây chính là một nội dung từng được Quốc hội thông qua trong kỳ họp vừa rồi.

Khi thực hiện chủ trương này, ngành du lịch cả nước kỳ vọng: sự thuận tiện và minh bạch của thị thực điện tử sẽ mở thêm một cánh cửa rộng cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

TPHCM, với vị trí là địa phương đứng đầu cả nước trong ngành du lịch với gần 1.200 doanh nghiệp lữ hành, trong đó, chỉ riêng doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã chiếm hơn 50%. Nhiều đơn vị có thế mạnh về kinh doanh du lịch inbound - chuyên đón khách quốc tế vào Việt Nam cho biết, việc cấp thị thực điện tử đối với khách du lịch quốc tế là bước đi cần thiết, khi mà các nước trong khu vực đã tiến hành từ rất lâu.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Nguyễn Hùng Dũng, Giám đốc Công ty du lịch Thiên niên kỷ, thà muộn còn hơn không: " Phương pháp làm visa điện tử vốn không phải là mới, các nước trong khu vực đã áp dụng từ rất lâu, ngay như Campuchia cũng đã triển khai từ cách đây 4-5 năm rồi. Việc áp dụng chính sách này có một sự minh bạch khi mà khách không phải vướng vào thủ tục, chi phí không cần thiết buộc họ phải chi trả".

 Khách du lịch quốc tế thưởng thức Đờn ca tài tử ở Cái Bè - Tiền Giang.

Trước mắt, việc thực hiện chính sách cấp visa điện tử được áp dụng đối với công dân các nước có đủ các điều kiện sau: có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội và đối ngoại với Việt Nam; không làm phương hại đến quốc phòng an ninh và trật tự xã hội ở Việt Nam; Chính phủ sẽ quyết định danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp visa điện tử; danh sách các cửa khẩu cho phép người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng thị thực điện tử. Việc thí điểm cấp visa điện tử được thực hiện trong vòng 2 năm, bắt đầu kể hôm nay 1/2.2017.

Theo ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, việc thí điểm và tiến tới áp dụng thị thực điện tử đối với người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam không chỉ có ý nghĩa về chính trị, pháp lý, đối ngoại mà còn tác động trực tiếp, tích cực đến phát triển kinh tế xã hội và quá trình hội nhập:

"Đây không chỉ là việc tạo điều kiện cho người nước ngoài du lịch vào Việt Nam, mà còn là một bước rất lớn trong cải cách Chính phủ điện tử. Chính vì vậy, khi thực hiện, tôi nghĩ rằng cần ủng hộ và rà soát chặt chẽ hơn. Những đối tượng thuộc diện cần xem xét, lưu ý bao giờ cũng có trong danh sách hạn chế. Khi đó, trên hệ thống thông tin đã có sẵn và bộ phận tiếp nhận visa đều biết trước hết. Vì thế, chúng ta cũng không nên mất thời gian để rà soát không cần thiết".

Bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban tiếp thị và truyền thông - Công ty du lịch Vietravel cho biết: áp dụng visa điện tử hay miễn visa mà Chính phủ đã và đang tiến hành rất có lợi cho ngành du lịch. Triển khai thực hiện chính sách này cũng giống như chúng ta đã sẵn sàng mở cửa để chào đón du khách quốc tế. Đây là điều mà các đơn vị lữ hành cũng như chính các du khách trông chờ từ rất lâu.

Tuy nhiên, cũng rất cần ở chính sách này sự ổn định.

Bà Hương cho rằng: "Điều chúng tôi cần là cung cấp thông tin sớm cho du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Sau nhiều năm kinh doanh, chúng tôi nhận ra rằng, để tiếp cận một du khách trong nước, thường mất từ 1 tuần đến 1 tháng nhưng với khách nước ngoài, chúng tôi thường mất từ 1 năm đến 1 năm rưỡi để có thể giới thiệu sản phẩm. Vì thế, ở góc độ một đơn vị kinh doanh, tôi cũng mong rằng tất cả những chính sách về visa đều được triển khai đều đặn qua các năm, liên tục và thường xuyên chứ không bị gián đoạn."

Tham quan công đoạn sản xuất kẹo dừa Bến Tre cũng mang lại cho du khách nhiều cảm xúc thú vị

Bình luận