Thủ tướng Chính Phủ: Sẽ có nghị quyết hỗ trợ cho ngành du lịch

(VOH) - Chính phủ dự kiến ban hành Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, tương tự bất động sản, y tế.

Sáng 15/3 diễn ra Hội nghị toàn quốc về du lịch “Thúc đẩy phục hồi-Tăng tốc phát triển” dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Sau 1 năm chính thức mở cửa trở lại, ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả này, theo Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Các doanh nghiệp du lịch vẫn phụ thuộc vào thị trường truyền thống, trong khi đó các thị trường này chưa mở cửa do tác động của Covid-19 lại chưa chủ động kết nối, khai thác các thị trường mới.

Các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch trong nước ra quốc tế chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên, liên tục.

Chính sách visa dù có cải tiến nhưng vẫn chưa theo kịp các nước cạnh tranh trực tiếp trong khu vực; sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế của thế giới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa; các loại hình sản phẩm du lịch thể thao ngoài trời, trên không, dưới nước chuyên nghiệp chưa có hoặc còn thiếu khung pháp lý.

Nguồn nhân lực của ngành cũng thiếu, đặc biệt nhân lực có chuyên môn, kinh nghiệm do chuyển ngành sau đại dịch.

Thủ tướng Chính Phủ: Sẽ có nghị quyết hỗ trợ cho ngành du lịch 1
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về du lịch “Thúc đẩy phục hồi-Tăng tốc phát triển”. Ảnh: VGP

Phát biểu chủ trì hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định cần phát triển du lịch gắn với công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí.

Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, người dân phải chung tay phát triển ngành du lịch, tìm ra hướng đi phù hợp trên cơ sở điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của đất nước, linh hoạt, không máy móc.

Thủ tướng gợi ý về phong trào chung tay xây dựng đất nước xanh, sạch, đẹp để phát triển kinh tế-xã hội và du lịch nhanh, bền vững; tập trung giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường, huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển du lịch, chính sách visa…

Thủ tướng cũng cho biết sau hội nghị này Chính phủ dự kiến ban hành một Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, tương tự như các nghị quyết sau các hội nghị của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, việc bảo đảm thuốc, vật tư y tế…

Năm 2023 dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, ngành du lịch vẫn đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt du khách quốc tế, 102 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 ngàn tỷ đồng.

Đến năm 2025, phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8-9%/năm; đóng góp trực tiếp từ 6-8% GDP; tạo ra 5,5 triệu việc làm…

Để phát triển mạnh hơn trong giai đoạn mới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định ngành du lịch cần định vị thế mạnh du lịch Việt Nam trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, lịch sử văn hóa phù hợp với thị hiếu và đặc điểm của các thị trường khách mục tiêu, thị trường tiềm năng.

Toàn ngành cần cơ cấu lại thị trường du lịch; thúc đẩy liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam gắn với phát triển xanh, bền vững.

Các địa phương chú trọng khai thác lợi thế để mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo.

Huy động tối đa nguồn lực xã hội, sự chuyên nghiệp của các tập đoàn lớn về du lịch; tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến định vị thương hiệu du lịch quốc gia trên cơ sở nghiên cứu thị trường.

Tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch, có chính sách thu hút nguồn nhân lực đã thôi việc, chuyển việc trở lại…

Bình luận