Chờ...

Thủ tướng chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN

(VOH) - Sáng 16/10 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương và đông đảo các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước.

Sau Hội nghị đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN năm 2018, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg. Tại Hội nghị hôm nay, các bộ, ngành liên quan sẽ báo cáo cụ thể việc triển khai xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo phân công tại Chỉ thị số 01 của Thủ tướng. Các đại biểu sẽ thảo luận về tình hình triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại DNNN, trong đó có đánh giá cụ thể về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn; những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và kiến nghị, đề xuất.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị. - Ảnh: VGP

Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2017, có 526 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Như vậy theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định 707/QĐ-TTg thì các cơ quan, đơn vị sẽ phải thực hiện xây dựng phương án cơ cấu lại trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với 526 DNNN.

Tính đến ngày 30/9/2019, đã có 148 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại theo Quyết định số 707. Số lượng DN chưa được phê duyệt phương án cơ cấu lại là 378 (chiếm 71%).

Trong 9 tháng đầu năm 2019 có 9 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 9/2019, đã có 168 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị DN là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 206.694 tỷ đồng.

Về tình hình thực hiện thoái vốn, lũy kế trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9/2019, cả nước đã thoái được 24.510 tỷ đồng, thu về 170.629 tỷ đồng.

Ảnh: VGP

Tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2018 có 502 DNNN, theo đó tổng vốn chủ sở hữu tăng 5%, tổng tài sản tăng 2%, tổng doanh thu tăng 9%, nộp ngân sách Nhà nước tăng 5% so với thực hiện năm 2017.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương đã đạt được một số tín hiệu tốt.

Theo đó, đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi; 4 dự án còn đang thua lỗ đã từng bước khắc phục khó khăn, tiếp tục giảm được lỗ. Với 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất thì đến nay đã có 1 dự án vận hành sản xuất trở lại, 2 dự án đã đủ điều kiện vận hành trở lại nhưng do thị trường khó khăn nên vẫn dừng sản xuất; 3 dự án xây dựng dở dang đang được tiếp tục xử lý.

 

Thủ tướng chỉ đạo xử lý vấn đề ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà
Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/10/2019.
Bình luận